Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Phi-lip-pin giảm thuế nhập khẩu gạo từ các thị trường khác về mức 35% như dành cho ASEAN

Ngày 15/5/2021, Tổng thống Phi-lip-pin ký Sắc lệnh số 135 năm 2021 về việc “Tạm thời điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với gạo căn cứ theo Mục 1611 của Đạo luật số 10863, hay còn gọi là Đạo luật hiện đại hóa Hải quan và Thuế quan”. Sắc lệnh nêu trên được ban hành với mục đích đa dạng hóa các nguồn thị trường, duy trì nguồn cung gạo với mức giá phải chăng, giảm áp lực lạm phát, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ người tiêu dùng Phi-lip-pin trước bối cảnh giá gạo nhập khẩu tăng trong thời gian qua, đặc biệt là từ các nước nội khối ASEAN.

Theo đó, mức thuế Tối huệ quốc (MFN) đối với gạo nhập khẩu trong hạn ngạch và ngoài hạn ngạch sẽ giảm lần lượt từ 40% và 50% xuống cùng mức 35% trong vòng 12 tháng kể từ ngày Sắc lệnh có hiệu lực. Sau 12 tháng, mức thuế trên sẽ được điều chỉnh về mức thuế ban đầu là 40% đối với gạo nhập khẩu trong hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch. Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 30/5/2021. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Phi-lip-pin đạt hơn 715 nghìn tấn, trị giá hơn 380 triệu USD, chiếm 36,3% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, cho thấy Philip-pin vẫn là thị trường nhập khẩu gạo truyền thống và quan trọng của Việt Nam. Từ khi Luật thuế hóa mặt hàng gạo của Philip-pin có hiệu lực đến nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Phi-lip-pin, cả trong và ngoài hạn ngạch, đang được hưởng mức thuế 35%, thấp hơn so với mức thuế nhập khẩu từ các thị trường truyền thống khác như Pa-kít-xtan và Ấn Độ (Cụ thể là 40% đối với gạo nhập khẩu trong hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS-IC)). Việc Phi-lip-pin giảm thuế nhập khẩu xuống còn 35%, mặc dù phần nào mở thêm cơ hội để Việt Nam cung cấp thêm nguồn gạo ổn định cho Phi-lip-pin nhằm góp phần hỗ trợ nước này bình ổn thị trường trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết mức phức tạp, tuy nhiên cũng sẽ khiến gạo Việt Nam mất đi ưu thế về thuế so với các nước khác, gặp cạnh tranh gay gắt về giá từ các nước xuất khẩu truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ, Pa-kít-xtan.

          Trên cơ sở đó, để chủ động trong hoạt động kinh doanh, phòng ngừa rủi ro và nắm bắt được cơ hội thị trường một cách hiệu quả, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương khuyến nghị:

          - Chủ động tìm hiểu và tuân thủ nghiêm túc các quy định của Phi-lip-pin về nhập khẩu gạo, trong đó có các quy định về khai báo hải quan trung thực. Đồng thời, chỉ đàm phán và ký kết hợp đồng với những thương nhân Phi-lip-pin đã được Bộ Nông nghiệp Phi-lip-pin cấp giấy chứng nhận.

          - Việc giảm thuế nhập khẩu gạo của Phi-lippin là theo Sắc lệnh của Tổng thống, có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Vì vậy cần theo dõi sát tình hình, đánh giá đầy đủ các rủi ro chính sách để xây dựng phương án giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng phù hợp, có phương án phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh.

          - Có biện pháp tăng cường, kiểm tra, giám sát chất lượng gạo xuất khẩu để đảm bảo tuyệt đối uy tín cho gạo Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Kịp thời phát hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cách hành vi có thể gây mất uy tín cho gạo xuất khẩu của Việt Nam để thông báo tới cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

          Trong quá trình triển khai, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh tới Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương (thông qua phòng Xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản; địa chỉ: số 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: 024. 222 05 301; email: xuatkhaugao@ moit.gov.vn) để kịp thời xử lý.

Theo Bản tin thị trường nông lâm thủy sản số ra ngày 31/5/2021 – Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương (Phòng Quản lý Thương mại)