Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Sở Công Thương 02 tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp thực hiện ký kết hợp tác phát triển lĩnh vực Công Thương giai đoạn 2022-2025

Với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, thực hiện tốt định hướng phát triển vùng; phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh An Giang – Đồng Tháp và của vùng.

Vào ngày 08/09/2022, tại tỉnh An Giang, đã diễn ra buổi lễ ký kết "Hợp tác phát triển lĩnh vực Công Thương giữa tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025".

Việc hợp tác dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng phát triển; Hợp tác trên tinh thần tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau; có bước đi thích hợp từ thấp đến cao, theo từng giai đoạn cụ thể trên cơ sở đảm bảo hiệu quả.

Lãnh đạo của 02 Sở Công Thương tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất liên kết, hợp tác trên các các lĩnh vực như: Phát triển công nghiệp chế biến, logistics, phát triển thương mại (Thương mại nội địa, Xuất nhập khẩu, Thương mại điện tử, Thương mại biên giới), hoạt động khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp với các nội dung cụ thể, như sau:

1. Liên kết, hợp tác phát triển ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông sản, thủy sản với định hướng phát triển về “chất” và chú trọng các biện pháp nâng cao giá trị gia tăng cho nông, thủy sản; liên kết đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ tốt cho phát triển công nghiệp chế biến.

2. Hợp tác, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp.

3. Phối hợp mời gọi, vận động các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư theo chuỗi trên địa bàn hai tỉnh để phát triển các hoạt động về hạ tầng thương mại (siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích); phát triển logistics (cảng, kho trung chuyển, trung tâm logistics, kho dự trữ, bảo quản, lưu thông các mặt hàng chiến lược,...).

4. Phối hợp thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường; kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin thị trường, điều phối hàng hóa, phối hợp xử lý biến động thị trường (nếu có). Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp các bên đầu tư, liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường.

5. Phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của hai địa phương, ưu tiên các mặt hàng nông thủy sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của hai tỉnh, hướng đến xây dựng thương hiệu đối với mặt hàng nông thủy sản, đặc sản của từng địa phương, vùng, miền. Hỗ trợ mời gọi các nhà phân phối, nhà bán buôn lớn tại hai địa phương và một số địa phương khác tham gia các hoạt động kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai địa phương hợp tác, liên kết kinh doanh, tìm kiếm, khai thác thị trường tiêu thụ hàng hóa.

6. Tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực phát triển thương mại xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, thương mại điện tử. Chia sẻ thông tin về các điều kiện, chính sách liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa của một số thị trường ngoài nước (đặc biệt thị trường Campuchia, Trung Quốc) để thông tin kịp thời đến doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của hai tỉnh có thể tiếp cận, tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngoài nước.

Nhằm thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, Sở Công Thương của 02 tỉnh đã thống nhất, mỗi cơ quan sẽ cử 01 đồng chí là lãnh đạo cơ quan trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nội dung hợp tác như đã thỏa thuận./.

Tác giả: Thiện Phương - Phòng KHTCTH