Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Kiểm tra, khảo sát các đề án ứng dụng máy móc, thiết bị vào quy trình sản xuất trên địa bàn tỉnh

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp triển khai Kế hoạch số 31/KH-TTKC ngày 11/3/2024 về việc kiểm tra tình hình thực hiện các đề án khuyến công năm 2022 và khảo sát nhu cầu hỗ trợ từ chính sách khuyến công năm 2024.

Nhằm thực hiện Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND tỉnh An Giang ban hành Quy định về quy trình xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh An Giang.

Theo đó, trong năm 2022, đơn vị đã hỗ trợ thực hiện 13 đề án khuyến công địa phương cho 13 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ là 3,5 tỷ đồng  và đề án nhóm từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cho 04 doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,1 tỷ đồng.

Kiểm tra tình hình sử dụng máy móc, thiết bị tại Hộ kinh doanh Đỗ Quang Tuấn - huyện Châu Thành

Theo tiến độ kế hoạch từ ngày 15/3- 26/3/2024 Trung tâm Khuyến công và TVPTCN phối hợp Phòng KT/KT-HT huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra và khảo sát, tình hình hoạt động của các đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tại các cơ sở, doanh nghiệp thụ hưởng từ chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra tình hình sử dụng máy móc, thiết bị tại Hộ kinh doanh Anas – TX. Tân Châu

Kiểm tra tình hình sử dụng máy móc, thiết bị tại Công ty TNHH Thanh Hồ - TX. Tân Châu

Kết quả thực tế tại 13 cơ sở/đề án trên địa bàn 08 huyện, thị xã, thành phố cho thấy các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động tương đối ổn định, các máy móc thiết bị được hỗ trợ từ đề án khuyến công đã giúp các cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí thuê nhân công, giảm chi phí sản xuất sản phẩm, tạo nhiều sản phẩm, kiểu dáng đa dạng, tinh xảo đòi hỏi kỹ thuật cao,.. Việc ứng dựng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp ngày càng tạo được uy tín với khách hàng khó tính, thị trường được mở rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn chung, ở những tháng đầu năm thị trường tiêu thụ chậm, dẫn đến năng suất sản xuất giảm, giảm giờ làm. Do vậy, các cơ sở/doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ kết nối, tiềm kiếm thị trường tiêu thụ để sản xuất phát triển mạnh trong thời gian tới.

Đồng thời, đoàn công tác đã khảo sát 10 cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ từ chính sách khuyến công năm 2024 (ứng dụng máy móc, thiết bị, hỗ trợ tìm kiếm thị trường…). Qua đó, trong thời gian tới Trung tâm phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công để các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận chính sách tích cực tham gia để phát triển sản xuất sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Quan tâm hỗ trợ sản xuất sản phẩm có giá trị giá gia tăng cao, thân thiện môi trường, giải quyết việc làm và thu nhập cao cho người lao động. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án khuyến công đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định về quản lý hoạt động khuyến công./.

Phan Thanh Tuấn - Trung tâm Khuyến công và TVPTCN