Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
An Giang: Nhiều giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp - thương mại

6 tháng đầu năm 2023, ngành công thương đã triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD) và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần những mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Nhiều kết quả nổi bật

Nhờ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, hoạt động sản xuất công nghiệp - thương mại trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả khả quan. Trong đó, tình hình sản xuất công nghiệp, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh tăng trưởng so với trước. Các DN sản xuất công nghiệp hoạt động ổn định, gắn kết lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2023 ước tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 9,03% so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng năm 2023, ước tăng 7,76% so cùng kỳ.

Hoạt động thương mại nội địa tiếp tục phát triển ổn định, góp phần tăng trưởng chung cho kết quả phát triển kinh tế của tỉnh. Theo Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng, những tháng đầu năm, hàng hóa được dự trữ đầy đủ, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán và các kỳ nghỉ lễ… không có biến động lớn, nhờ công tác bình ổn giá và kiểm soát thị trường được thực hiện tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 42.394 tỷ đồng, tăng 17,42% so cùng kỳ năm 2022, đạt 40,78% so với kế hoạch năm 2023.

Các doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh

Thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh tương đối ổn định và tăng trưởng so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh ước đạt 671,61 triệu USD, tăng 3,72% so cùng kỳ (xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trên 1,34 tỷ USD). Tăng trưởng trên nhờ tận dụng tối đa tiền đề từ năm 2022, khi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường của các mặt hàng chủ lực đều có xu hướng tăng, cùng với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.

Những tháng đầu năm, Sở Công Thương còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các DN duy trì, phát triển các hoạt động SXKD. Cụ thể: phát triển hạ tầng công nghiệp, mời gọi đầu tư; hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất… Từ đó, giúp DN yên tâm triển khai các giải pháp phục hồi, thúc đẩy SXKD phát triển bền vững...

Ngành công thương còn tháo gỡ khó khăn cho các DN, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác bình ổn thị trường; triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tỉnh An Giang với tỉnh Lào Cai và Hải Dương cùng các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Đồng thời, đẩy mạnh thông tin thị trường xuất khẩu cho các DN trong tỉnh; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ thêm về pháp lý, thông tin về các hiệp định thông qua các lớp tập huấn, đào tạo và xây dựng cẩm nang về hiệp định thương mại tự do cho từng ngành hàng, thị trường và hàng rào phi thuế quan…

Nhiều giải pháp trọng tâm

Những tháng cuối năm, để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, sẽ thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình SXKD của các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời tham mưu những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Triển khai các hoạt động khuyến công nhằm đổi mới thiết bị, mô hình quản lý, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN. Triển khai công tác đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, chợ, tích cực xúc tiến đầu tư các dự án mới…

Đối với hoạt động thương mại, ngành công thương tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời thông tin diễn biến tình hình thị trường, giá cả nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm…

Hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất tham gia các chương trình hội chợ trong và ngoài tỉnh; thực hiện hiệu quả các biện pháp kích cầu tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, sự kiện kích cầu tiêu dùng. Triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2023. Đẩy mạnh hỗ trợ DN, hợp tác xã, cơ sở SXKD… ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động quản lý, kinh doanh, quảng bá sản phẩm.

Đối với hoạt động xuất khẩu, thương mại biên giới và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành công thương sẽ tập trung các nguồn vốn để hỗ trợ, phát triển công nghệ đầu tư cho các DN. Mặt khác, tạo điều kiện để DN, thương nhân của tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với DN xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ… Đồng thời, chủ động, phối hợp các cơ quan liên quan để theo dõi kịp thời diễn biến giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh…

 Ngoài ra, Sở Công Thương An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh An Giang (Chỉ số PAPI); nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)…

Tác giả: Đức Toàn

Nguồn: https://baoangiang.com.vn