Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Bốn bước để đảm bảo an toàn thực phẩm

Thực hiện theo bốn bước đơn giản tại nhà – Làm sạch, Tách biệt, Nấu chín và Làm lạnh - có thể giúp bảo vệ bản thân và những người trong gia đình khỏi ngộ độc thực phẩm. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, bốn bước đó bao gồm:

1. Làm sạch: Rửa tay và các bề mặt thường xuyên.

  • Vi trùng gây ngộ độc thực phẩm có thể tồn tại ở nhiều nơi và lây lan xung quanh nhà bếp.
  • Rửa tay trong ít nhất 20 giây bằng xà phòng và nước ấm hoặc nước lạnh trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn.
  • Luôn rửa tay sau khi xử lý thịt đỏ, thịt gà và thịt các loại gia cầm khác, hải sản, bột hoặc trứng chưa nấu chín.
  • Rửa đồ dùng, thớt và mặt bàn bằng nước xà phòng nóng sau khi chuẩn bị từng món ăn.
  •  Rửa sạch trái cây và rau củ dưới vòi nước chảy.

2. Tách biệt: Không lây nhiễm chéo.

  • Thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản và trứng còn sống có thể lây lan mầm bệnh sang thực phẩm đã nấu chín trừ khi bạn để chúng riêng biệt.
  • Khi đi mua sắm, hãy để thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản còn sống tách riêng với các loại thực phẩm khác.
  • Để riêng thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản còn sống hoặc đã ướp và trứng với tất cả các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh. Bảo quản thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản còn sống trong hộp hoặc gói kín để nước của chúng không chảy ra các thực phẩm khác.
  • Sử dụng một tấm thớt hoặc đĩa cho thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản sống và một thớt hoặc đĩa riêng cho nông sản, bánh mì và các loại thực phẩm sẽ không được nấu chín khác.

3. Nấu đến nhiệt độ thích hợp.

  • Thực phẩm được nấu chín an toàn khi nhiệt độ bên trong đủ cao để tiêu diệt vi trùng có thể gây bệnh. Cách để biết thực phẩm đã được nấu chín an toàn hay chưa là sử dụng nhiệt kế thực phẩm. Rất khó để biết thực phẩm có được nấu chín an toàn hay không bằng cách kiểm tra màu sắc và kết cấu của thực phẩm (ngoại trừ hải sản).
  • Sử dụng nhiệt kế thực phẩm để đảm bảo thực phẩm được nấu chín bên trong ở nhiệt độ an toàn. Cần nên tìm hiểu cách sử dụng nhiệt kế thực phẩm và chi tiết về nhiệt độ nấu chín an toàn đối với các loại thực phẩm khác nhau để có thể thực hiện nấu thực phẩm chín đến nhiệt độ thích hợp nhất.

4. Làm lạnh: Bảo quản lạnh ngay lập tức.

  • Vi khuẩn có thể nhân lên nhanh chóng nếu để ở nhiệt độ phòng hoặc trong “khoảng nhiệt độ nguy hiểm” từ 5°C đến 60°C. Không bao giờ để thực phẩm dễ hỏng bên ngoài tủ lạnh quá 2 giờ (hoặc 1 giờ nếu thực phẩm đã tiếp xúc với nhiệt độ trên 32°C).
  • Để nhiệt độ tủ lạnh ở từ 5°C trở xuống và tủ đông lạnh ở nhiệt độ từ -18°C trở xuống, đồng thời biết khi nào nên vứt bỏ thực phẩm trước khi chúng bị hỏng. Nếu tủ lạnh của bạn không có nhiệt kế tích hợp, hãy đặt nhiệt kế thiết bị bên trong tủ để kiểm tra nhiệt độ.
  • Đóng gói thức ăn ấm hoặc nóng vào một số hộp nông, sạch và sau đó cho vào tủ lạnh. Có thể cho từng phần nhỏ thức ăn nóng vào tủ lạnh vì chúng sẽ nguội nhanh hơn.
  • Làm lạnh thực phẩm dễ hỏng (thịt, hải sản, sữa, trái cây cắt sẵn, một số loại rau và thức ăn thừa đã nấu chín) trong vòng 2 giờ. Nếu thực phẩm đã được để ở những nơi có nhiệt độ trên 32°C, chẳng hạn như trong xe hơi nóng hoặc đi dã ngoại, hãy làm lạnh chúng trong vòng 1 giờ.
  • Rã đông thực phẩm đông lạnh một cách an toàn trong tủ lạnh, trong nước lạnh hoặc trong lò vi sóng. Không bao giờ rã đông thực phẩm bên ngoài vì vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng trong các phần của thực phẩm đạt đến nhiệt độ phòng.

Tâm Yên - Phòng Quản lý Công nghiệp