Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Triển khai thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang năm 2021

Ngày 24/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 152/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang năm 2021, mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án OCOP_AG góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại của Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” trong năm 2021 chủ yếu ở các hoạt động sau:

Củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức cũng như hệ thống tư vấn, hỗ trợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương; nâng cao năng lực quản lý, hoạt động cho 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tham gia Đề án OCOP_AG. Tiếp tục hỗ trợ, phát triển các sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh theo hướng: Nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng, cải tiến bao bì, nhãn mác; thực hiện truy xuất nguồn gốc, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…; thực hiện quản lý, bán hàng trên các trang thông tin điện tử; kết nối tiêu thụ với các điểm bán lẻ, siêu thị,… Từ đó, giúp nâng hạng sao các sản phẩm này trong năm 2021 (dự kiến khoảng 5-8 sản phẩm). Đồng thời, tập trung chuẩn hóa các sản phẩm đạt OCOP 04 sao cấp tỉnh năm 2020, để tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm này tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia năm 2021.

Phấn đấu có 20 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên và có 02 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cấp quốc gia. Mỗi huyện, thị xã, thành phố (đặc biệt là các địa phương có xã điểm nằm trong lộ trình thực hiện xã nông thôn mới nâng cao) có ít nhất 02 chủ thể tham gia Đề án OCOP trong năm 2021, mỗi chủ thể có ít nhất 01 sản phẩm tiềm năng tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Phấn đấu có ít nhất 80% sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên.

Qua đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì triển khai các các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là việc thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình.

Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế hoàn thiện sản phẩm đạt các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và các tiêu chuẩn khác; thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát và phát hiện xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trong nông, lâm, thủy sản của các tổ chức kinh tế sản xuất được chứng nhận sản phẩm OCOP…

Đối với Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho các sản phẩm OCOP. Tổ chức đoàn kiểm tra theo Kế hoạch của Ngành, trong đó quan tâm kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ đối với các cơ sở có sản phẩm đạt tiêu chí OCOP, về đảm bảo các tiêu chuẩn của Ngành và có biện pháp xử lý theo quy định. Lồng ghép các hoạt động của Ngành gắn với việc thực hiện Chương trình trên phạm vi toàn tỉnh. Triển khai hiệu quả chính sách khuyến công, hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị vào quy trình sản xuất sản phẩm…

Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia OCOP thủ tục và chi phí đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ; hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cộng đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất các sản phẩm tham gia OCOP; định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát các tổ chức kinh tế sản xuất các sản phẩm OCOP về sở hữu công nghiệp và tiêu chuẩn đo lường chất lượng; đồng thời có biện pháp xử lý theo quy định; Lồng ghép các hoạt động của ngành với việc thực hiện phát triển các sản phẩm của Chương trình...

Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, cơ quan báo, đài và các địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP.

Đài phát thanh truyền hình An Giang, Báo An Giang: Xây dựng chuyên mục OCOP trên các loại hình truyền thông của Tỉnh, phản ánh kịp thời những cách làm hay thông qua các bản tin, bài viết về hoạt động triển khai Đề án OCOP_AG, các hội nghị, hội thảo, các gương điển hình tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai thực hiện Đề án.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác triển khai Chương trình trên địa bàn cấp huyện, thi xã, thành phố. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nội dung của Chương trình đến các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Chương trình. Xây dựng Kế hoạch thực hiện chi tiết năm, phân công nhiệm vụ cụ thể nội dung Chương trình cho từng cơ quan chuyên môn cấp huyện, thị xã, thành phố gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện./.

Nguồn: Nguyễn Hùng -VP HĐND tỉnh