Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang

ipv6 ready
Công Tác Quảng Bá, Xúc Tiến Thương Mại, Kết Nối Sản Phẩm Ocop Đến Các Thị Trường tiêu Thụ

Những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, hoạt động sản xuất tăng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; một số sản phẩm chủ lực của tỉnh sản xuất ổn định và tăng trưởng khá.

Qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Đầu năm trùng với nhiều dịp lễ, Tết lớn như: Tết Nguyên đán, giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch) và Lễ 30/4 – 1/5, Lễ hội vía Bà,… dẫn đến sức mua một số mặt hàng tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng do nhu cầu mua sắm của người dân tăng và các doanh nghiệp cũng tăng cường nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn với giá hợp lý nên thu hút khách hàng đến tham quan mua sắm.

1. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh đến thị trường tiêu thụ.

Sở Công Thương phối hợp Siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc, Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn, Chợ Mới, Siêu thị Winmart+ và các đơn vị liên quan triển khai Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2024 tạo cơ hội cho cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đặc biệt là thị trường nông thôn; góp phần mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam; chủ động phối hợp với Viettel An Giang, VNPT An Giang, Mobifone An Giang, Ngân hàng thương mại triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt,... để kích cầu tiêu dùng.

Phiên chợ hàng Việt năm 2024 tổ chức tại huyện Châu Thành, An Giang (Ảnh: Báo An Giang)

Thị trường hàng hóa những tháng đầu năm, nhất là các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh An Giang. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 55.532 tỷ đồng, tăng 13,55% so cùng kỳ, vượt 8,84% so với kịch bản của tỉnh và đạt 54,58% so kế hoạch năm 2024 (101.740 tỷ đồng). Trong 06 tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những khó khăn, thách thức đan xen, các quốc gia nhập khẩu đã và đang hình thành các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế nhằm đảm bảo sức khỏe con người, môi trường,… Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm ước đạt 642,9 triệu USD, tăng 6,45 so cùng kỳ.

Đầu năm đến nay, đơn vị đã tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNTTB của tỉnh tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hà Nội và khu vực phía Bắc năm 2024. Cũng như làm đầu mối thông tin đến các chủ thể OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, tham gia trưng bày tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang tại Hà Nội.

2. Triển khai các hoạt động phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh An Giang

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số thì thương mại điện tử trở thành thị trường tăng trưởng quan trọng, dần thay thế thương mại truyền thống, làm thay đổi về nhận thức, thay đổi về phương thức sản xuất và cách thức quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó là sự chuyển đổi hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nên việc phát triển thương mại điện tử là nhu cấu tất yếu. Trong thời gian qua Ngành Công Thương xác định phát triển thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế của địa phương, hoạt động mua bán trực tuyến ngày càng phát triển, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Với việc triển khai thực hiện Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 6/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và một số văn bản chỉ đạo liên quan khác như: Quyết định số 179/QĐ-UBND ngày  27/01/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025, cũng như Kế hoạch số 685/KH-UBND ngày  21/10/2022 của UBND tỉnh về việc Triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công Thương đã tổ chức 08 lớp tập huấn về nhận diện cảnh giác thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, thanh toán không dùng tiền mặt, hợp đồng điện tử và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và trang cá nhân; Tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt” từ ngày 01/6/2024 – 21/6/2024; Kết nối sàn thương mại điện tử an giang vào Sàn Việt do Cục TMĐT Bộ Công Thương vận hành và trở thành sàn nhánh angiang.sanviet.vn trong đó tham gia vận hành angiang.sanviet.vn là Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam; Phối hợp Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số tổ chức khóa đào tạo trực tuyến miễn phí “Livestream đa nền tảng – từ cơ bản tới nâng cao”, và tổ chức đào tạo trực tuyến hướng dẫn thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng với Bộ Công Thương  cho đại diện Phòng KT/KT-HT, 10 DN của tỉnh và 20 CBCC Quản lý thị trường tỉnh; đồng thời tổ chức đào tạo trực tuyến miễn phí hướng dẫn xu hướng kinh doanh 0đ với Livestream Affiliate trên TikTok Live.

Trước đó, giai đoạn 2021-2022 đã hỗ trợ 32 cơ sở, doanh nghiệp đưa 41 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử: sanphamangiang.com. Chuyển tiếp 40 thông tin cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh các chương trình tư vấn, giao thương, hội chợ với các thị trường nước ngoài; tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhận diện thương hiệu, hướng dẫn quy trình thiết kế bao bì, đăng ký nhãn hiệu, tiến tới xuất khẩu xuyên biên giới.

Trong năm 2023 cũng đã phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số hỗ trợ 10 cơ sở công nghiệp nông thôn (là những chủ thể OCOP) tham gia đề án Khuyến công quốc gia “Hỗ trợ ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc” và “Hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến” cho các cơ sở từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm phát triển Thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương. Đồng thời, hỗ trợ 12 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh xây dựng website, xây dựng giải pháp bán hàng thông minh, xây dựng giải pháp truy xuất nguồn gốc.

Từ những hoạt động đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được quan tâm lựa chọn, các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả, giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường, giúp giảm chi phí đầu tư vào hệ thống cửa hàng, hệ thống phân phối, giảm chi phí quảng bá sản phẩm, dịch vụ hơn so với phương thức kinh doanh truyền thống. Đồng thời, thương mại điện tử phát triển cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số, mở đường cho thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển.

3. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương

Sở Công Thương thường xuyên tiếp chuyển thông tin đến doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trong tỉnh phục vụ phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh tiếp cận và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngoài nước, như: Lazada; Alibaba,…

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh tham gia các Cổng thông tin trực tuyến của Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2030” và các kênh thông tin trên nền tảng số khác của Bộ Công Thương nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận với các tập đoàn phân phối nước ngoài, khai thác hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới để củng cố xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới trong kỷ nguyên 4.0.

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và xây dựng website thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn hàng tại hệ thống hạ tầng thương mại như siêu thị, chợ... từng bước tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân kết nối, mở rộng kênh tiêu thụ, giải quyết đầu ra sản phẩm nông sản tỉnh qua liên kết giao dịch, mua bán trực tuyến trên Sàn thương mại  điện tử trong và ngoài nước.

4. Phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2024

Tiếp tục triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện các sự kiện kích cầu tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường; Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thực hiện thủ tục hành chính về xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công các chuyến hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tiếp trục phối hợp đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, trong đó đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động quản lý và kinh doanh: Chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code,...; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt; Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và xây dựng website TMĐT; Nâng cấp và mở rộng thêm các sản phẩm tham gia Sàn TMĐT của tỉnh.

Dự báo xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh ( thuỷ sản, gạo, rau quả đông lạnh, hàng may mặc) từ nay đến cuối năm 2024 vẫn sẽ khả quan bởi các thị trường lớn như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines; các thị trường có lợi thế với các Hiệp định thương mại tự do như khối EU, Hàn Quốc, Nhật Bản; các thị trường phát triển có nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ hay các quốc gia Trung Đông vẫn có nhu cầu lớn.

Theo kế hoạch từ đây tới cuối năm sẽ tổ chức 03 cuộc Hội nghị giao thương kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh; và thực hiện hoạt động xúc tiến tiêu thụ, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại 06 kỳ Hội chợ triển lãm trên cả nước theo đó trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp cùng các Sở, ngành tỉnh đề xuất tỉnh về chương trình hợp tác với Tập đoàn Logistics của Dubai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất tỉnh An Giang khai thác các dịch vụ logistics, giảm chi phí xuất khẩu. Cùng các Sở, ngành tỉnh và Bộ Công Thương hỗ trợ tiếp cận thông tin, tham dự hội thảo, tập huấn như: “Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh An Giang sang các nước thị trường Nam Phi và Tây Á”; Tổ chức 02 buổi tập huấn, tuyên truyền về FTA; Đề xuất việc tham dự chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2024) do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM; Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước, như: Lazada; Alibaba,…

Đối với sản phẩm OCOP (có tiềm năng 5 sao) tham gia xuất khẩu như đường thốt nốt Palmania hiện đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc 1,5 tấn (xuất trực tiếp cho nhà cung ứng, sau đó họ cung cấp cho 300 chuỗi cửa hàng của Châu Á có nhu cầu). Hiện nay, Công ty Palmania có nhu cầu mở rộng sản xuất, đáp ứng quy mô, tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng còn gặp khó khăn về vị trí xây dựng nhà xưởng, nguồn vốn đầu, nguồn nguyên liệu nước thốt nốt,…

Do đó, để các cơ sở OCOP của tỉnh phát triển mạnh ở các thị trường và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, giữ vững thị trường truyền thống, khai thác mở rộng thị trường tiềm năng trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình chính sách biên mậu; kịp thời dự báo, nhận định và triển khai các giải pháp kịp thời để hỗ trợ, đồng hành, định hướng cho doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, ổn định và phát triển hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn tỉnh./.

Phan Thanh Tuấn - Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp