Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Sản phẩm OCOP An Giang quan tâm đến an toàn, chất lượng đậm nét đặc trưng của từng địa phương

Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn 2019-2020” (OCOP), Ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp cùng với các sở ngành, địa phương triển khai. Sau gần 2 năm thực hiện, Chương trình OCOP tỉnh An Giang bước đầu đã đạt được kết quả khích lệ.

Với sự tích cực Ngành nông nghiệp tập trung xây dựng các chuyên mục, bài, phóng sự về chương trình, tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình OCOP của tỉnh để các ngành, các cấp và chủ thể kinh tế nắm rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như nội dung, cách thức triển khai thực hiện của Chương trình. Thông qua đó, công tác đánh giá phân hạng sản phẩm được thuận lợi, kết quả đáp ứng yêu cầu.

            Qua tổ chức 03 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh, với 48 sản phẩm đáp ứng các tiêu chí tham gia đánh giá, phân hạng. Kết quả có 42 sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 - 4 sao (thuộc 04 nhóm ngành, thực phẩm: 33 sản phẩm; đồ uống: 07 sản phẩm; thảo dược: 01 sản phẩm; lưu niệm, nội thất và trang trí: 01 sản phẩm); Trong đó, có 26 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao đến từ 28 chủ thể kinh tế (12 hộ sản xuất kinh doanh, 13 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã), và đánh giá 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đang đề xuất Trung ương đánh giá và xem xét công nhận sản phẩm cấp quốc gia cho 02 doanh nghiệp. Suốt quá trình thẩm định hồ sơ, đánh giá sản phẩm, Tổ giúp việc, Hội đồng đánh giá luôn quan tâm đến tiêu chí an toàn thực phẩm, chất lượng của sản phẩm. Đồng thời, sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng là những sản phẩm đặc trưng của địa phương có tiềm năng phát triển, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Sản phẩm OCOP đạt tiêu chí 4 sao

            Do đó, kết quả đánh giá phân hạng là động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.           

Làm việc với Siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc kết nối đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị.

Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, trong thời gian tới các Ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP tham dự các cuộc Hội chợ, triển lãm trong nước; kết nối cung cầu và phát triển các hệ thống điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm gắn với các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP An Giang đến các địa phương trong cả nước.

         Hiện nay, trên địa bàn tỉnh việc hình thành điểm bán sản phẩm OCOP đã được chú trọng triển khai. Trong năm 2020, khảo sát, lựa chọn những vị trí thuận lợi đáp ứng tiêu chí của Bộ Công Thương, điểm bán còn là nơi cam kết giữ uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Cụ thể như: Siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc; Cửa hàng lưu niệm - hàng tiêu dùng - giải khát Tre làng huyện Tịnh Biên; Cửa hàng của Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang tại thành phố Long Xuyên. Thông qua các kênh bán lẻ này, sẽ hỗ trợ phần nào kích cầu tiêu dùng trong tỉnh và du khách đến tỉnh An Giang. Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư của tỉnh được giao triển khai thực hiện combo quà tặng từ những sản phẩm đã đạt tiêu chí OCOP. Hy vọng qua các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP góp phần hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất, đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế./.

Nguồn : Ngọc Diệu - Trung tâm Khuyến công và TVPTCN