Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang

Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Hiện nay, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP. Tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; ATTP trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm...

Xác định, an ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, cấp bách, lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP đã đề ra kế hoạch bảo đảm ATTP năm 2023. Với chủ đề “Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”, từ tỉnh đến cơ sở tập trung kiểm tra, hậu kiểm, kiểm soát, phối hợp liên ngành trong các dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động, Tết Trung thu và đột xuất. Lấy mẫu giám sát ô nhiễm thực phẩm, kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi, thực phẩm. Thực hiện tốt các hoạt động chỉ đạo trong các dịp lễ hội, đặc biệt Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam. Đồng thời, kiện toàn tổ chức hoạt động, thường xuyên sơ, tổng kết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP. Tăng cường chiến dịch truyền thông, chú trọng đưa tin về hoạt động, các vụ vi phạm ATTP, góp phần cảnh báo, răn đe các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm vi phạm; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Đánh giá kết quả đảm bảo ATTP năm 2022, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP Phan Vân Điền Phương cho biết: Toàn tỉnh đã thành lập 457 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP, kiểm tra 10.418 cơ sở, có 9.982 cơ sở đạt (tỷ lệ đạt 95,8%). Đã tiến hành xử lý phạt tiền 14 cơ sở với số tiền 33,569 triệu đồng; thực hiện 108 test nhanh, đạt 108 test (100%). Ngoài ra, các đoàn kiểm tra chuyên ngành y tế, công thương, nông nghiệp, Quản lý thị trường... cũng tăng cường thanh, tra kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2022, tỉnh có 1 vụ ngộ độc rượu xảy tại TX. Tân Châu, làm 1 người tử vong.

Cụ thể trong lĩnh vực Y tế: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì thanh, kiểm tra ATTP 108 cơ sở, xử phạt 12 cơ sở vi phạm số tiền hơn 14 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa, khắc phục nhãn. Thanh tra y tế thanh tra việc thực hiện các quy định về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại 60 cơ sở bán lẻ thuốc, xử phạt 27 cơ sở với số tiền hơn 180,8 triệu đồng. Lĩnh vực Nông nghiệp: Kiểm tra 65 tổ chức/cá nhân chế biến, kinh doanh thực phẩm nông thủy sản và lấy 50 mẫu sản phẩm để kiểm tra chất lượng ATTP. Kết quả 5 mẫu sản phẩm không đạt chất lượng (phụ gia ngoài danh mục, Sodium Benzoate vượt mức, nhiễm Enrofloxacine); xử phạt vi phạm hành chính 10 tổ chức/cá nhân vi phạm quy định về ATTP với tổng số tiền 342,5 triệu đồng. Kiểm tra 55 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung, thuốc thú y, chợ kinh doanh sản phẩm động vật, xử phạt 4 trường hợp vi phạm... Đặc biệt qua kiểm tra chuyên ngành 76 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp và lấy mẫu kiểm tra, xác minh sản phẩm phân bón, có 80 tổ chức/cá nhân vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về vật tư nông nghiệp tại 6 tổ chức và 1 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thủy sản và lấy mẫu kiểm tra, xác minh sản phẩm; đã xử phạt vi phạm hành chính 2 tổ chức và 6 cá nhân 166,5 triệu đồng. Lĩnh vực Công Thương, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra đột xuất, liên ngành, chuyên đề lĩnh vực ATTP 229 vụ, xử lý 26 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm 354,1 triệu đồng, phạt tiền 901,8 triệu đồng.

Phần lớn các cơ sở kinh doanh cố định chấp hành tốt quy định, thực hiện đúng quy trình sản xuất, nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Ngành Y tế đã cấp 274 Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện ATTP còn hiệu lực, còn 53 cơ sở hết hạn, hoàn thiện thủ tục; cấp 1.726 Giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đủ điều kiện ATTP còn hiệu lực. Đồng thời, quản lý 8.488 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, 2.527 cơ sở kinh doanh phụ gia, các debo nước đá và thực phẩm chức năng. Ngành nông nghiệp, Công Thương cũng tăng cường quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, thực phẩm.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo: Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực chỉ đạo theo chức năng nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý ATTP. Công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện liên tục, thường xuyên và được triển khai đồng bộ, rộng khắp từ tỉnh đến huyện, xã, góp phần nâng cao chất lượng ATTP trên địa bàn. Phần lớn các cơ sở kinh doanh cố định chấp hành khá tốt quy định pháp luật, thực hiện đúng quy trình sản xuất, nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Tuy nhiên, công tác quản lý ATTP còn nhiều tồn tại, hạn chế: Lực lượng cán bộ thanh tra chuyên ngành ATTP mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp huyện chưa chủ động, chưa tập trung vào cơ sở, sản phẩm, các công đoạn sản xuất có nguy cơ cao, trọng yếu. Việc lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu ATTP còn bị hạn chế, nên chưa đánh giá toàn diện mức độ tuân thủ về ATTP. Nhận thức của một số cơ sở về tầm quan trọng của quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản còn hạn chế; quy mô sản xuất, kinh doanh của các cơ sở còn nhỏ lẻ. Một số cơ sở nhỏ lẻ không chịu đăng ký đủ điều kiện ATTP, còn có hiện tượng tránh né tiếp đoàn tới kiểm tra, gây khó khăn trong công tác quản lý về chất lượng ATTP nông lâm thủy sản...

Hạnh Châu