- Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025)
- Gia hạn thời gian nhận hồ sơ tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần XIII (2022-2023)
- Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIII (2022-2023)
- Kế hoạch Triển khai Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XI (2018-2019)
- Quyết định Về việc ban hành Thể lệ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XI (2018 – 2019)
- Thể lệ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XI (2018 – 2019)
- Phiếu đăng ký dự thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XI (2018-2019)
- Bản mô tả giải pháp dự thi
Sáng ngày 29/12/2022, Sở Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động ngành Công Thương năm 2022 và triển khai Kế hoạch năm 2023. Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư; Cục Thống kê; Cục Quản lý thị trường tỉnh; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Lãnh đạo UBND và các Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng huyện, thị xã, thành phố; Cán cán bộ công chức của Sở Công Thương. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng có sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp tham gia hoạt động bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh; Đài PT-TH An Giang; báo An Giang đến tham dự và đưa tin về Hội nghị.
Kết quả triển khai thực hiện các hoạt động ngành Công Thương năm 2022
Báo cáo tại Hội nghị về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2022, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thanh Tâm cho biết, trong năm 2022, việc triển khai thực hiện các hoạt động ngành Công Thương trong bối cảnh kinh tế trong nước, cũng như trong tỉnh còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, giá nguyên liệu đầu vào biến động bất thường, thị trường trong nước cũng như xuất khẩu gặp khó khăn do xung đột chính trị giữa Nga – Ukraine, thắt chặt đầu tư và cạnh tranh ngày càng gay gắt, cùng với đó là những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu,… ngày càng phức tạp, đã gây ảnh hướng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng, trong đó ảnh hưởng mạnh đến tình hình hoạt động của ngành Công thương;…
Nhưng với sự lãnh chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương và sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của lãnh đạo Sở Công Thương và các địa phương trên tất cả các lĩnh công tác của ngành. Cùng với đó, bám sát nội dung của Nghị quyết Đại hội, Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh cũng như chức năng nhiệm vụ được giao; trong năm 2022, ngành Công Thương tỉnh đã phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương trên địa bàn, đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, ổn định thị trường. Hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động đều hướng đến cộng đồng doanh nghiệp; Chủ động kết nối các doanh nghiệp với các các tỉnh/thành phố và các tổ chức thương mại quốc tế để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; Tích cực thực hiện công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn; Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng thương mại điện tử; Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường trong và ngoài nước; Thực hiện liên kết giữa An Giang với các tỉnh, thành phố trong cả nước về lĩnh vực công thương; Triển khai có hiệu quả công tác bình ổn thị trường; Thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý, triển khai các cửa hàng bán nông sản an toàn; Đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh…. Qua đó, các chỉ tiêu chủ yếu phát triển ngành Công Thương đều tăng trưởng so năm trước và vượt kế hoạch đề ra.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thanh Tâm báo cáo kết quả triển khai hoạt động ngành Công Thương năm 2022 và triển khai Kế hoạch năm 2023
Trong năm 2022, do dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt nên hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trở lại hoạt động bình thường; tình hình sản xuất công nghiệp trong năm tiếp tục giữ vững ổn định, sản xuất vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp năm 2022 ước tăng 11,52% so với cùng kỳ, vượt 3,91 điểm phần trăm so với kế hoạch. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm tỷ trọng bình quân trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh) có mức tăng cao nhất, tăng 12,38% so cùng kỳ.
Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh cũng đã tạo điều kiện giúp thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng diễn ra khá sôi động và có sự phục hồi đáng kể trong năm 2022, các doanh nghiệp đã tăng cường nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn với giá cả hợp lý nhằm thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng, giúp doanh thu bán hàng tăng cao so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn (riêng mặt hàng xăng dầu, đến thời điểm báo cáo đã có 34 lần điều chỉnh tăng/giảm giá bán theo giá thể giới). Bên cạnh đó, để bình ổn thị trường, đảm bảo cung/cầu hàng hóa cân đối, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Sở Công Thương đã tích cực chủ động phối hợp lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi kinh doanh không lành mạnh, bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng gây tăng giá bất hợp lý và vi phạm phát luật trong hoạt động thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 95.528 tỷ đồng, tăng 19,9% so cùng kỳ, vượt 6,37% so với kế hoạch năm.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bất ổn chính trị tại giữa Nga – Ukraine, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng và vượt kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của các nước tăng mạnh đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh, các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thế giới; Các hiệp định thương mại tự do từng bước cho thấy được lợi ích từ các ưu đãi; và cuối cùng không thể không nhắc đến, đó là sự đồng hành của chính quyền và những nỗ lực vượt khó và chủ động thích nghi tốt của cộng đồng doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của tỉnh, mở đường lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu trong năm nay. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại biên mậu vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, không bị ùn tắc tại khu vực cửa khẩu, doanh nghiệp và cư dân biên giới được tạo điều kiện tối đa để hoạt động mua bán giao thương. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1.158,6 triệu USD, tăng 1,45% so cùng kỳ; vượt 0.31% so kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 210,2 triệu USD, tăng 16,45% so với cùng kỳ và vượt 0,12% so với kế hoạch năm.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2022 ước đạt trên 2,5 tỷ USD, giảm 6% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất, nhập khẩu đăng ký tại An Giang đạt gần 989 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ; Hàng hoá đăng ký nơi khác thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu An Giang đạt 1,51 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ.
Chỉ tiêu phát triển ngành Công Thương trong năm 2023
Dự báo năm 2023, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được duy trì và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân trong nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Tình hình dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó lường. Phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống xã hội thay đổi sau đại dịch. Các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, nguồn vốn... để phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp so với yêu cầu. Những thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên, đất đai và xử lý ô nhiễm môi trường sẽ tác động đến phát triển công nghiệp.
Đại dịch Covid-19 dù đã được khống chế ở nước ta, nhưng chưa kết thúc, trong khi bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn, nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao, xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine càng gây nên thiếu hụt nguồn cung tạo ra lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát tăng cao. Giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng nhưng đi cùng với đó là giá hàng hóa trên thị trường thế giới cũng tăng cao, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu. Cùng với đó, thị trường thương mại nội địa cũng chịu sự ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát.
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cùng với chính sách phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh tiếp tục được thực hiện và phát huy hiệu quả. Do đó, dự kiến các chỉ tiêu phát triển ngành Công Thương trong năm 2023 đạt tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ, cụ thể: Phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trong khoảng 11,38% – 11,55% so với cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt từ 103.950 – 105.440 tỷ đồng, tăng 8,82% - 10,38% so cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.170 triệu USD, tăng 1% so cùng kỳ và Kim ngạch nhập khẩu đạt 218 triệu USD, tăng 3,53% so với cùng kỳ.
Phương hướng, nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023
Nhằm phấn đấu đạt được các chỉ tiêu mà ngành Công Thương đã đề ra, Sở Công Thương đề ra một số phương hướng trọng tâm thực hiện trong năm 2023, như sau:
* Lĩnh vực Công nghiệp - TTCN
Kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.
Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo,… trong đó, ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nguyên liệu, vật liệu có lợi thế tại địa phương, các ngành sử dụng công nghệ thông minh; chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết về hỗ trợ lãi suất để kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ tham gia trưng bày để giới thiệu sản phẩm và kết nối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu cuối tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội;…
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hoạt động khuyến công, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách trong đổi mới công nghệ, năng cao giá trị sản xuất, đổi mới mô hình quản lý để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các quy định về kỹ thuật an toàn và môi trường ngành Công Thương.
Phối hợp với ngành điện đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn, tin cậy cho người dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;...
* Lĩnh vực Thương mại
Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan thực hiện giám sát, kiểm tra thị trường chống kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý,... góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đã thực hiện đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh mở rộng hoạt động kinh doanh; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới phát triển các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh góp phần phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân.
Tích cực hỗ trợ, kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực vào tiêu thụ ổn định tại hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh; Tăng cường hỗ trợ ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hàng hoá của tỉnh;…
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 179/QĐ-UBND ngày ngày 27/01/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phát động phong trào hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ các doanh nghiệp, người tiêu dùng nhận thức đúng đắn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt tại An Giang. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hiệu quả những chuyến bán hàng Việt lưu động, phiên chợ hàng việt tại các địa phương;… Tổ chức các sự kiện khuyến mại tập trung nhằm hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung do Bộ Công Thương phát động hàng năm, kích cầu thị trường nội địa, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Kịp thời xử lý, giải quyết các khiếu kiện của người tiêu dùng. Thu thập, cung cấp thông tin (về thị trường, giá cả các mặt hàng nông sản, cơ chế, chính sách thương mại các thị trường nhập khẩu tiềm năng...) phục vụ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp và phục vụ hoạt động xúc tiến, định hướng xuất khẩu, tham mưu quản lý điều hành xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về các thị trường xuất khẩu trọng điểm nhất là đối với các thị trường thực hiện hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để định hướng sản xuất có hiệu quả, đa dạng hóa hàng hóa xuất khẩu, nâng giá trị xuất khẩu hàng hóa.
Phối hợp tổ chức hoặc tham gia các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xuất khẩu do Bộ ngành Trung ương, các tổ chức xúc tiến tổ chức để kết nối hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh với doanh nghiệp trong và ngoài nước thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa;Tiếp tục kết nối với các Tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh; Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang.
Phối hợp với Hiệp hội Dịch vụ Logistics VN triển khai một số hoạt động hỗ trợ phát triển logistics như: Phát triển nguồn nhân lực quản lý logistics; tổ chức hội thảo/tập huấn tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp;.... Phối hợp Sở Giao thông Vận tải thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics chuyên ngành vận tải. Khuyến khích thương nhân tham gia hoạt động trong các loại hình kinh doanh dịch vụ logistics như: dịch vụ kho chứa hàng hoá, kho trung chuyển, dịch vụ hỗ trợ xuất, nhập khẩu (đóng gói, thủ tục hải quan,….).
- Tiếp tục triển khai: Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”; kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch “Tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trên địa bàn tỉnh An Giang.
Tại Hội nghị Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Theo đó, Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp. Hiện tại, đã có 24 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh (tăng 1 doanh nghiệp so kế hoạch năm 2022) đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường, chuẩn bị lượng hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 (Tính từ 20/11/2022 đến ngày 28/01/2023 (khoảng hơn 2 tháng). Dự kiến, tổng số tiền dự trữ khoảng 1.374 tỷ đồng, tăng 17,2% so kết quả thực hiện năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… 169 tỷ đồng; Xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 1.205 tỷ. Về cửa hàng bán hàng bình ổn thị tường, có 420 đại lý, cửa hàng (trong đó, có 113 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm; 307 cửa hàng bán xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng) được bố trí rộng khắp trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân triển khai công tác bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh An Giang
Tại Hội nghị Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng đã công bố Quyết định Khen thưởng và trao tặng bằng khen cho tập thể 04 Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng (Tân Châu, Chợ Mới, Châu Phú, Tịnh Biên) đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ ngành Công Thương trong năm 2022.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng tặng bằng khen cho các phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng có thành tích xuất sắc năm 2022
Phòng Kế hoạch- Tổng hợp