Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang

Kết quả thực hiện hoạt động ngành Công Thương tỉnh An Giang năm 2023

Trong năm 2023, các hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân quay trở về bình thường mới, kinh tế của tỉnh An Giang có nhiều khởi sắc và chuyển biến tích cực tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển.

Nhiều chủ trương, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế được tỉnh ban hành và triển khai hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển chung của toàn tỉnh góp phần đem lại đời sống ổn định, thị trường phát triển cho người dân và doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,34% (Trong đó, Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,43%; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,03% (Công nghiệp tăng 11,46%); Khu vực dịch vụ tăng 8,54% (Bán buôn và bán lẻ, sữa chữa ô tô mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 11,55%); Thuế trừ trợ cấp tăng 5,53%).

Đối với hoạt động ngành Công Thương, tình hình sản xuất, kinh doanh của tỉnh trong năm 2023 tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới, chiến tranh, lạm phát,… nên một số ngành như chế biến thủy sản, may mặc, sản xuất da giày quy mô tạm thời thu hẹp vì đơn hàng bị sụt giảm, kéo theo thời gian làm việc của một bộ phận công nhân giảm, kinh tế tăng trưởng chậm lại do sự thu hẹp của ngành công nghiệp và hoạt động xuất khẩu sụt giảm. Cùng với đó là sức mua của người tiêu dùng giảm, kéo theo sức tiêu thụ sụt giảm do giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải tăng cao ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân lao động.

Tuy nhiên, trên cơ sở định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh. Sở Công Thương đã tiếp tục bám sát tình hình, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, các chương trình khuyến công,… từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn có nhiều khởi sắc, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, cụm công nghiệp, năng lượng, khuyến công,… nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Từ đó sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục được duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 9,05% so với cùng kỳ. Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 8,33%; Ngành chế biến, chế tạo tăng 9,05%; Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,94%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,45% so với cùng kỳ.

Trong năm qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ 15 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất với số tiền hỗ trợ trên 3,56 tỷ đồng; Hỗ trợ 01 doanh nghiệp tham gia đề án khuyến công quốc gia; Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2023, đồng thời, đăng ký các sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia năm 2023 (Bộ Công Thương đã công nhận 03 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 của tỉnh An Giang gồm: Sản phẩm xoài cát hòa lộc sấy dẻo – Cty TNHH MTV Vườn Bà Ba; Bộ sản phẩm mật thốt nốt: Sệt Palmania, Bột Palmania); Phối hợp Cục TMĐT và Kinh tế số hỗ trợ 10 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia đề án KCQG “Hỗ trợ ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở công nghiệp nông thôn” và “Hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến cho các cơ sở CNNT trên toàn quốc”;.... Sở cũng đã xây dựng danh mục các dự án cụm công nghiệp trọng điểm để làm cẩm nang để giới thiệu đến các nhà đầu tư; chủ động phối hợp với Sở ngành, địa phương liên quan và nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ thành lập Cụm công nghiệp Hòa An huyện Chợ Mới, cụm công nghiệp Mỹ Phú huyện Châu Phú, cụm công nghiệp An Nông Thị xã Tịnh Biên;…

Đối với thương mại nội địa, cùng với sự phục hồi chung của nền kinh tế, thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tỉnh An Giang năm 2023 đã có sự tăng trưởng trở lại, các doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động thay đổi chiến lược để thích ứng với xu thế và thích ứng với sự thay đổi về thói quen và văn hóa của người tiêu dùng, nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng, mua sắm được triển khai. Các loại hình thương mại bán lẻ như cửa hàng tiện lợi, siêu thị hình thành ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng về lựa chọn đa dạng hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại. Các doanh nghiệp cũng tăng cường nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn với giá hợp lý nên thu hút khách hàng đến thăm quan mua sắm. Cùng với đó, là việc chuyển đổi số trong giao dịch thương mại, thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, các siêu thị,.... Tiếp tục thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn… đã góp phần kích cầu tiêu dùng thị trường trong nước. Nhìn chung, thị trường hàng hoá trong tỉnh đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn tiếp tục được duy trì ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm 2023 ước đạt 85.196 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ ước đạt 58.392 tỷ đồng, tăng 16,51% so với cùng kỳ; Doanh thu dịch vụ ước đạt 26.804 tỷ đồng, tăng 18,08% so với cùng kỳ.

Trong năm 2023, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tăng cường mời gọi đầu tư và đưa vào hoạt động 01 siêu thị Co.opmart Chợ Mới, đầu tư xây dựng mới 03 chợ, nâng cấp cải tạo 9 chợ; Việc triển khai hiệu quả Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023 tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đặc biệt là thị trường nông thôn; nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam và góp phần kích cầu tiêu dùng. Trong năm, Sở Công Thương An Giang đã tổ chức thành công 100 chuyến hàng Việt, doanh số đạt trên 760 triệu đồng, thu hút trên 98.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm.

Các đại biểu tham dự lễ Tổng kết “Chương trình 100 chuyến hàng Việt về nông thôn” năm 2023

Ngành Công Thương và các doanh nghiệp đã chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa nhất là nhu yếu phẩm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa cân đối, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Tổng số tiền dự trữ hàng hóa năm 2023 của 20 doanh nghiệp tham gia bình ổn khoảng 1.249 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với kết quả thực hiện năm trước. Trong đó: nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… là 682 tỷ đồng (tăng 6,5% so thực hiện năm trước); xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng là 567 tỷ đồng ( bằng 99%  so thực hiện năm trước). Có 212 đại lý, cửa hàng, điểm bán. Trong đó: có 113 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm và 99 cửa hàng bán xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, được bố trí rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Việc chuyển đổi số trong giao dịch thương mại, thanh toán không dùng tiền mặt đã được đẩy mạnh thực hiện, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các ngân hàng và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng của người dân; Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân và các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, trạm xăng dầu trong tỉnh,… sử dụng dịch vụ mua/bán hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; Hỗ trợ xây dựng mô hình chợ 4.0, mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”; Hỗ trợ đưa các sản phẩm của tỉnh lên các sàn giao dịch thương mại điện tử;… Hiện toàn tỉnh có trên 1.716.529 người trên địa bàn tỉnh An Giang có tài khoản giao dịch qua ngân hàng; có trên 143.622 ví điện tử (trong đó VNPT 70.000 ví điện tử VNPT money, Viettel 68.351 ví điện tử Viettelmoney và Mobifone 5.271 ví điện tử Mobifone money); Hỗ trợ đưa 3.770 sản phẩm lên các sàn TMĐT (trong đó có 2.104 sản phẩm sàn posmart, 1.574 sản phẩm sàn Voso, 02 Sản phẩm sàn Tiki, 53 sản phẩm shopee và khác là 1 sản phẩm); Hỗ trợ doanh nghiệp mở gian hàng trực tuyến trên sàn TMĐT của tỉnh với trên 1.701 sản phẩm.

Tập huấn thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt

Tình hình xuất khẩu hàng hóa chủ lực của tỉnh trong năm 2023 tiếp tục được duy trì ổn định, một số ngành hàng đạt tăng trưởng tốt như xuất khẩu gạo, rau quả,… Hoạt động xuất khẩu bắt đầu khởi sắc do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu,… tồn kho tại các nước đang giảm dần; nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao vào các dịp lễ hội; nhiều nước gia tăng nhập khẩu gạo; hoạt động xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh, Mỹ,… đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh An Giang đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2023. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh sang các thị trường thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len theo Hiệp định UKVFTA, các thị trường thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),... đều có sự tăng trưởng; Các doanh nghiệp tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, điều chỉnh chiến lược xuất khẩu như tìm kiếm cơ hội ở thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do,.... Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 1.381 triệu USD, tăng 2,08% so cùng kỳ. Trong đó:

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.179 triệu USD, tăng 2,75% so cùng kỳ, vượt 0,78% so với kế hoạch của tỉnh. Theo đó, Thủy sản: Thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất là Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,…), Châu Mỹ (Mỹ, Colombia, Brazil,…), Châu Âu (Nga, Hà Lan, Ukraina,…), Châu Đại Dương và Châu Phi. Bên cạnh xuất khẩu thành phẩm phi lê, còn xuất khẩu cá tra nguyên con, cá tra cắt khúc sang các thị trường Trung Quốc, Colombia. Gạo: Thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Châu Á (Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia,…), Châu Phi (Ghana,…), Châu Âu (Pháp, Đức, Bồ Đào Nha,…), Châu Mỹ (Mỹ, Brazil,…) và Châu Đại Dương. Rau quả đông lạnh: Thị trường chủ yếu xuất khẩu sang Malaysia, Đài Loan, Hà Lan, Đức, Mỹ,… Hàng may mặc (quần áo): Thị trường Mỹ, Bỉ, Trung Quốc,…

- Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 202 triệu USD, bằng 98,33% so cùng kỳ, đạt 92,66% so kế hoạch năm (218 triệu USD).

Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới tỉnh An Giang vẫn đảm bảo thông suốt, không bị ùn tắc tại khu vực cửa khẩu; Các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương ở khu vực biên giới đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong công tác triển khai một số hoạt động phát triển thương mại biên giới miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh An Giang năm 2023. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang cả năm 2023 ước đạt gần 2,31 tỷ USD, đạt 92% so cùng kỳ. Trong đó: Xuất, nhập khẩu đăng ký tại An Giang đạt trên 977,7 triệu USD, đạt 99% so với cùng kỳ; Hàng hoá đăng ký nơi khác thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu An Giang đạt trên 1,33 tỷ USD, đạt 88% so với cùng kỳ (Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu: Phân bón, sắt thép, xi măng, xăng dầu, bách hóa tổng hợp, nông thủy sản..; Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu: trái cây và máy gặt đập đã qua sử dụng,..).

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Công Thương luôn được thực hiện tốt. Trong năm, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Công Thương đã tiếp nhận 33.361 hồ sơ; Trả kết quả là 34.317 hồ sơ (trả qua đường bưu điện 208 hồ sơ).

Sở Công Thương An Giang đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, thanh tra và phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo theo quy định. Nhìn chung cả năm 2023, ngành Công Thương đã có nhiều nỗ lực, vượt khó và đạt được những kết quả toàn diện đáng ghi nhận. Đây là cơ sở quan trọng để ngành Công Thương tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực để đạt mục tiêu trong năm 2024, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà.

PHÒNG KH-TH