Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang

ipv6 ready
Thông tin cần biết về biên giới Việt Nam – Campuchia

Có bao nhiêu cột mốc được cắm trên đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia?

Việt Nam và Campuchia đã phân giới được khoảng 1045 km đường biên giới trên đất liền và cắm được 2.047 cột mốc trong đó có 315 mốc chính, 1.511 mốc phụ và 221 cọc dấu (chưa bao gồm cột mốc tại vị trí ngã ba biên giới Việt Nam - Campuchia – Lào) tại 1553 vị trí (đạt khoảng 84%).

Các kết quả này đã được ghi nhận trong hai văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền giữa hai nước ký ngày 05/10/2019 tại Hà Nội, đó là: “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia”.

 

Hệ thống cột mốc/cọc dấu biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia được phân loại và thể hiện như thế nào?

Hệ thống mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia có 3 loại: mốc chính, mốc phụ và cọc dấu.

- Mốc chính được làm bằng đá hoa cương, bề mặt mốc được khắc tên nước, số hiệu mốc, năm sản xuất và được chia làm 3 loại:

+ Mốc loại A có kích thước lớn nhất, được cắm tại cửa khẩu quốc tế và có gắn quốc huy 2 nước.

+ Mốc Loại B và C có cùng kích thước, nhỏ hơn loại A. Mốc loại B được cắm ở địa hình không bị ngập lụt vào mùa mưa; mốc loại C được cắm ở vùng có địa hình ngập lụt trong mùa mưa, có phần đế mốc xây cao.

Mốc chính được đánh số từ Bắc xuống Nam theo thứ tự số tự nhiên, mốc chính đôi cùng số được ghi thêm số (1) hoặc số (2) đằng sau số thứ tự; mốc chính ba cùng số được ghi thêm số (1), số (2) hoặc số (3) đằng sau số thứ tự.

- Mốc phụ được làm bằng bê tông cốt thép, mặt mốc được khắc tên nước và số hiệu mốc. Các mốc phụ đơn có số hiệu lẻ và các mốc phụ cắm trên lãnh thổ Campuchia được khắc năm cắm mốc, còn mốc phụ đơn có số hiệu chẵn và các mốc phụ cắm trên lãnh thổ Việt Nam không khắc năm cắm mốc. Số hiệu của mốc phụ thể hiện bằng phân số, tử số là số thứ tự của mốc chính liền trước, mẫu số được đánh số thứ tự tăng dần của số tự nhiên bắt đầu từ số 1. Mốc phụ đôi cùng số được ghi thêm số (1) hoặc số (2) đằng sau mẫu số; mốc phụ ba cùng số được ghi thêm số (1), số (2) hoặc số (3) đằng sau mẫu số.

- Cọc dấu được làm bằng bê tông cốt thép, kích thước nhỏ hơn mốc phụ, được đánh số theo thứ tự tăng dần của số tự nhiên bắt đầu từ số 1 tại từng đoạn biên giới có cắm cọc dấu. Các cọc dấu có số hiệu lẻ được khắc năm cắm cọc dấu, các cọc dấu có số hiệu chẵn không khắc năm cắm cọc dấu.

Mốc chính và mốc phụ gồm có các mốc đơn, mốc đôi cùng số và mốc ba cùng số:

+ Mốc đơn được cắm trên đường biên giới.

+ Mốc đôi cùng số cắm hai bên bờ sông, suối biên giới, cột mốc cắm phía Campuchia ghi thêm số (1), cột mốc cắm phía Việt Nam ghi thêm số (2) (Riêng mốc chính đôi số hiệu 216(1) và 216(2) được cắm trên đường biên giới.

+ Đối với mốc 3 cùng số cắm tại khu vực ngã ba sông, suối biên giới và sông suối nội địa thì cột mốc được ghi thêm số (1) cắm trên bờ sông, suối biên giới của bên không có sông, suối nội địa; hai cột mốc được ghi thêm số (2) và (3) cắm trên bờ sông, suối biên giới của bên có sông, suối nội địa.

 

Biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia có điểm khởi đầu và điểm kết thúc ở đâu?

Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia dài khoảng 1.258 km. Điểm khởi đầu là ở vị trí giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào, điểm kết thúc là ở vị trí cột mốc chính có số hiệu 314 thuộc tỉnh Kiên Giang.

Đường biên giới đi qua 10 tỉnh của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và 09 tỉnh của Campuchia là Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmun, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takeo và Kampot./.

Nguồn: biengioilanhtho.gov.vn