Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Sàn giao dịch thương mại điện tử An Giang, địa chỉ cần thiết để doanh nghiệp quảng bá

Sở Công Thương An Giang cho biết: Với tên miền: sanphamangiang.com, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh An Giang chính thức vận hành từ đầu tháng 10/2016 đến nay do Sở Công thương An Giang thực hiện, đã có hơn 27.580 lượt truy cập, thu hút gần 2.500 lượt truy cập/tháng.

Trang web “Sản phẩm An Giang” đã phát huy hiệu quả, thu hút được đông đảo doanh nghiệp tham gia, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh

          Hỗ trợ quảng bá miễn phí cho doanh nghiệp trên sàn giao dịch thương mại điện tử

          Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh An Giang là trang thông tin do Sở Công Thương An Giang phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số- Bộ Công Thương xây dựng. Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong tỉnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh, hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như sản phẩm của đơn vị. Đồng thời, là cầu nối hữu hiệu giúp nhà sản xuất với người tiêu dùng và các nhà phân phối trong và ngoài nước xích lại gần nhau hơn, mở rộng thị trường và tăng doanh thu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đồng thời, đây cũng là một trang thông tin giới thiệu miễn phí các sản phẩm, đặc sản đặc sắc nhất của vùng đất An Giang trù phú và hình ảnh của các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh.

          Sàn giao dịch thương mại điện tử đăng miễn phí các thông tin quảng bá về hình ảnh, sản phẩm đặc sản địa phương đa dạng theo danh mục: Đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, gạo-nếp, thủy sản; rau-củ-quả; thực phẩm chế biến-đồ uống; thủ công mỹ nghệ; mỹ phẩm -dược phẩm và các sản phẩm khác.

          Theo đó, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của cơ sở, doanh nghiệp như: Thốt nốt, mắm các loại, khô các loại, tung tò mò (lạp xưởng bò); làng nghề truyền thống; thủ công mỹ nghệ-quà tặng; thực phẩm chế biến-đồ uống; thực phẩm chế biến; nông-thủy sản; gạo, thủy sản, rau quả, sản phẩm khác; cơ khí, xây dựng; xây dựng; sức khỏe...

           Vào trang web khách có thể tham khảo, lựa chọn từ các sản phẩm khô: Cá lóc sợi, gò má lóc, vũ nữ chân dài, sặc bổi, tra phồng, tung lò mò... đến các loại mắm: Lóc, sặc, chốt, linh; các sản phẩm từ thốt nốt: Đường lá, đường bột... đến các sản phẩm OCOP: Tương hột Thanh Hồ, gạo thơm đặc sản Thiên Vương, gạo ngon Tiến Vua, xoài, trà mãng cầu, các loại rượu thốt nốt, rượu đinh lăng, nước cốt dâu tằm, khô bò Phú Vinh, cá linh kho mía....

          Trang thông tin giới thiệu về doanh nghiệp, thông tin sản phẩm, hình ảnh sản phẩm, tính năng sản phẩm; giúp các cơ sở, doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm trong hoạt động sản xuất-kinh doanh thời số hóa. Cung cấp trực tuyến các dịch vụ, thông tin chào mua, chào bán sản phẩm của doanh nghiệp thông qua Internet; thông tin giá cả thị trường, hội nhập quốc tế, các dịch vụ du lịch, văn bản pháp luật; sản phẩm đặc sản địa phương; cung cấp các thông tin cần thiết về rào cản thương mại, các sự kiện hội chợ, triển lãm, đào tạo; cơ hội giao thương; cẩm nang xuất khẩu; hiệp định thương mại tự do... tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã giao dịch, mua bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử này.         

          Trang cập nhật tin tức thời sự: Thông tin thị trường; sự kiện hội chợ, triển lãm, hội thảo, đào tạo; cơ hội giao thương; cẩm nang xuất khẩu; du lịch An Giang; sản phẩm nếp; khoa học - công nghệ; thương mại điện tử; khuyến mãi. Qua đó, góp phần phân phối các sản phẩm đặc sản An Giang, các sản phẩm OCOP chất lượng; giúp kết nối các đơn vị bán hàng tại An Giang với khách hàng và giúp mọi người dễ dàng lựa chọn các sản phẩm hấp dẫn và an toàn; góp phần ủng hộ nông dân An Giang tiêu thụ nông sản; quảng bá hình ảnh du lịch và ẩm thực đặc sắc An Giang qua các món quà tặng đặc sản.

          Sở Công Thương cho biết: Các đơn vị tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử phải đảm bảo các tiêu chí như: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh; các sản phẩm không vi phạm sở hữu trí tuệ. Đối với sản phẩm là thực phẩm, hàng tiêu dùng… phải có giấy chứng nhận theo quy định… sẽ được Sở Công thương hỗ trợ miễn phí một gian hàng trên website: sanphamangiang.com để đơn vị tự quản lý, cập nhật, quảng bá thông tin.

          Cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký tham gia cần: Giới thiệu tóm tắt hoạt động sản xuất-kinh doanh của đơn vị và nhu cầu tìm nhà phân phối; thông tin hình ảnh của đơn vị, logo, sản phẩm, giá bán của sản phẩm; các hình ảnh, thông tin cần quảng bá; các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận chất lượng… Quý doanh nghiệp có nhu cầu tham gia, vui lòng liên hệ Sở Công thương An Giang (Phòng Quản lý thương mại), điện thoại: 02963.956.701; Email: qltm.socongthuong @ an giang.gov.vn hoặc sanphamangiang.com để được hướng dẫn.

          Nhiều giải pháp phát triển thương mại điện tử

          Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân cho biết: Để triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc tăng số lượng và doanh thu các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên môi trường mạng (kinh doanh thương mại điện tử). Thời gian qua, Sở Công Thương, các sở, ngành và địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử như: Triển khai thực hiện nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử; hỗ trợ và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và ngoài nước...

          Để tiếp tục hỗ trợ phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia kinh doanh trên môi trường mạng, đặc biệt là tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

          Theo đánh giá cả các cơ sở, doanh nghiệp: Sau khi đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, người tiêu dùng khắp nơi dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu địa chỉ sản xuất, chất lượng sản phẩm. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, khách hàng nhiều hơn, tiện lợi hơn, góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp lên 20-30% so với tiêu thụ nông sản theo cách truyền thống.

          Quảng bá, bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, còn giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ, mở rộng thị trường, hướng tới nhiều đối tượng người tiêu dùng khắp các vùng miền trong và ngoài nước. Đây là hướng đi mới, góp phần nâng cao thu nhập người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững.

Tác giả: Hạnh Châu