Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang

An Giang triển khai hiệu quả các hoạt động phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh

Ngay sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 179/QĐ-UBND và Kế hoạch số 685/KH-UBND, các sở, ban, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã đồng loạt triển khai thông qua việc ban hành các văn bản/kế hoạch hoặc lồng ghép vào hoạt động của đơn vị để thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Qua đó, hoạt động thương mại điện tử, mua bán trực tuyến trên địa bàn tỉnh có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận, đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được ưu tiên lựa chọn. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu thông qua thương mại điện tử. Các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tiết giảm chi phí (nhân lực, tài chính) so với phương thức kinh doanh truyền thống, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường trong nước và hướng tới thương mại điện tử xuyên biên giới…. góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, các chỉ tiêu của Kế hoạch về phát triển thương mại điện tử của tỉnh bước đầu đạt được kết quả đáng phấn khởi. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30% (như: thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mạng xã hội để trao đổi, quảng bá hình ảnh (ZALO, Facebook,…), họp trực tuyến (zavi, zoom, google meet,…)); có 61 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây dựng website, xây dựng giải pháp bán hàng thông minh, xây dựng giải pháp truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, giúp các đơn vị đa dạng hóa hình thức bán hàng và quản lý doang nghiệp từ chương trình thương mại điện tử quốc gia; có 79 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thủ tục đăng ký sàn thương mại điện tử (sàn có tích hợp tính năng đặt hàng trực tuyến) hoặc thông báo website thương mại điện tử (Website có tính năng đặt hàng trực tuyến) với Bộ Công Thương theo đúng quy định; có 100% sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được trưng bày hoặc bán trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh và các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; trên 4000 sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử; Có 100% đơn vị cung cấp điện, nước triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; có 100% đơn vị viễn thông (VNPT An Giang, Viettel An Giang, Mobifone An Giang) chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 100% các cơ sở khám chữa bệnh và bệnh viện ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; Hiện cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đưa vào giảng dạy học phần Thương mại điện tử và 92% các cơ sở giáo dục và trường học ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; Có trên 3.200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, cán bộ quản lý nhà nước, học sinh, sinh viên, và tổ công nghệ số cộng đồng tại 156 xã, phường, thị, trấn, với 6.517 thành viên tham gia là cánh tay nối dài của Chính quyền trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng số, sử dụng ứng dụng số và thanh toán không dùng tiền mặt đã được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử...; Trên địa bàn tỉnh có 44,8% người dân được khảo sát vào năm 2021 có sử dụng internet để “mua sắm, tìm kiếm thông tin mua sắm”, đạt 89,6% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (chỉ tiêu đến năm 2025 tối thiểu 50% dân số sử dụng internet của tỉnh có tham gia mua sắm trực tuyến), đến nay tỷ lệ dân số sử dụng internet của tỉnh có tham gia mua sắm trực tuyến ước đạt 50% theo kế hoạch để ra của UBND tỉnh; Số lượng người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đến nay là 1.690.148 tài khoản, ước tỷ lệ đạt 116% (ước dân số 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh An Giang 1.454.284 người); có 1.690.148 người có tài khoản giao dịch qua ngân hàng, có 143.622 ví điện tử được phát triển (trong đó VNPT phát triển 70.000 ví điện tử VNPT money, Viettel An Giang phát triển 68.351 ví điện tử Viettelmoney và mobifone phát triển 5.271 ví điện tử mobifone money). Đáng chú ý là sự phát triển vượt trội và tăng qua các năm của InternetBanking/Mobile Banking và các ví điện tử. Theo đó, doanh số chuyển tiền qua InternetBanking/ Mobile Banking đạt 190.968 tỷ đồng chuyển tiền đi và chuyển tiền đến đạt 18.183 tỷ đồng, doanh số chuyển tiền đi bằng ví điện tử đạt 123 tỷ đồng, chuyển tiền đến bằng 203 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã chấp nhận, thích ứng công nghệ số, góp phần thực hiện đề án “thanh toán không dùng tiền mặt””.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã triển khai kế hoạch kiểm tra chuỗi cửa hàng, website thương mại điện tử, các cơ sở bán hàng trực tuyến chuyên kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài; kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, thương mại điện tử; kịp thời phát hiện, xử lý hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an thực phẩm được mua bán thông qua các ứng dụng trên điện thoại, mạng xã hội. Trong đó, tập trung các điểm phát luồng hàng hóa như: các chành xe, dịch vụ chuyển fax nhanh; các kho hàng, điểm tập kết, tàng trữ, cất giấu hàng hóa; Đồng thời, có biện pháp đấu tranh hiệu quả với các trường hợp mua bán hàng hóa vi phạm trên các mạng xã hội, các kênh bán hàng online. Kết quả kiểm tra, xử lý từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2023 như sau: kiểm tra 18 vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh trên nền tảng số zalo, facebook,…. Qua kiểm tra phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hàng hóa vi phạm bị bắt giữ trị giá 326,9 triệu đồng. Xử phạt vi phạm hành chính, số tiền thu phạt 154,73 triệu đồng./.

Mỹ Huê