Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Ký Kết Hợp Đồng Ngoại Thương Khi Xuất Khẩu Chính Ngạch Sang Thị Trường Trung Quốc

1. Ký kết hợp đồng xuất khẩu với đối tác Trung Quốc nên có những điều khoản cơ bản gì?

Ðể thương thảo hợp đồng được tốt, cần nắm vững các điều kiện thương mại quốc tế, chỉ một sự mơ hồ hoặc thiếu chính xác nào đó trong việc vận dụng điều kiện thương mại là có thể có hại đối với các bên ký hợp đồng, dẫn đến những vụ tranh chấp, kiện tụng làm tăng thêm chi phí trong kinh doanh.

Hợp đồng xuất khẩu tối thiểu cần có các điều khoản chính như:

- Tên doanh nghiệp, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật;

- Tên hàng hóa, đơn giá, số lượng;

- Phương thức thanh toán;

- Điều kiện đóng gói, giao hàng, thời gian giao hàng;

- Hiệu lực của hợp đồng;

- Trách nhiệm các bên liên quan;

- Giải quyết tranh chấp;

- Lựa chọn trọng tài hoặc toàn án khi xảy ra tranh chấp;

Ngôn ngữ thể hiện trên hợp đồng có thể bằng tiếng Việt, tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh.

Ngoài ra, hợp đồng cần ghi rõ thời gian và địa đểm ký kết để làm cơ sở áp dụng luật trong trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể về luật áp dụng.

 

2. Tôi có thể ủy thác cho công ty khác (chuyên xuất khẩu) để ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu không?

Thương nhân được ủy thác cho thương nhân khác xuất khẩu, nhập khẩu hoặc được nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu từ thương nhân khác các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu.

 

3. Sử dụng Incoterms trong hợp đồng ngoại thương có phải là bắt buộc không?

Incoterms là tập quán thương mại, không có tính chất bắt buộc. Chỉ khi nào các bên tham gia hợp đồng sử dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa thì nó mới trở thành điều kiện bắt buộc, ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng.

Các phiên bản ra đời sau không phủ nhận tính hiệu lực của các phiên bản trước. Chính vì vậy, khi sử dụng cần phải ghi rõ áp dụng Incoterms phiên bản nào để đối chiếu, xác định trách nhiệm của các bên.

Incoterms chỉ giải thích những vấn đề chung nhất có liên quan đến việc giao hàng, như việc bên nào có nghĩa vụ thuê phương tiện vận tải hoặc mua bảo hiểm, khi nào người bán giao hàng cho người mua và phân chia chi phí chi các bên ra sao. Song các vấn đề khác như giá cả, phương thức thanh toán, việc bốc, xếp, dỡ hàng hóa, lưu kho, lưu bãi thì tùy theo thỏa thuận của các bên thể hiện trong hợp đồng hoặc theo tập quán cảng, tập quán ngành kinh doanh, tập quán của nước sở tại của các bên tham gia mua bán.

Hai bên mua bán có thể tăng giảm trách nhiệm, nghĩa vụ cho nhau tùy thuộc vào vị thế mạnh/ yếu trong giao dịch nhưng không được làm thay đổi bản chất điều kiện cơ sở giao hàng. Việc tăng, giảm trách nhiệm, nghĩa vụ (nếu có) cần phải được cụ thể hóa trong hợp đồng mua bán.

Incoterms chỉ xác định thời điểm di chuyển rủi ro hàng hóa từ người mua đến người bán chứ không xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa, cũng như hậu quả của việc vi phạm hợp đồng. Những vấn đề này thường được quy định trong các điều khoản khác của hợp đồng hoặc trong luật điều chỉnh hợp đồng. Các bên cũng cần biết rằng luật của nước sở tại được áp dụng có thể làm mất hiệu lực bất cứ nội dung nào của hợp đồng, kể cả điều kiện Incoterms đã được lựa chọn trước đó.

Tùy thuộc vào việc hàng hóa được chuyên chở bằng phương tiện gì (đường hàng không, đường biển, đường bộ, v.v..), loại hình gì (hàng rời, container, sà lan, v.v..) thì có những nhóm điều kiện tương ứng.

 

4.  Hình thức thanh toán khi xuất khẩu chính ngạch? Hình thức nào phổ biến và sử dụng nhiều khi xuất khẩu với Trung Quốc? Đồng tiền thanh toán là đồng tiền nào?

a) Có nhiều phương thức được sử dụng trong thanh toán quốc tế, một số phương thức cơ bản phổ biến như sau:

Phương thức tín dụng thư (Letter of Credit - L/C): là phương thức mà theo yêu cầu của thương nhân nhập khẩu, ngân hàng phát hành cam kết với thương nhân xuất khẩu về việc thanh toán một khoản tiền nhất định trong một khoảng thời gian nhất định nếu thương nhân xuất khẩu xuất trình được một bộ chứng từ hợp lệ, đúng theo quy định.

Có nhiều hình thức tín dụng thư, tuy nhiên doanh nghiệp nên lựa chọn tín dụng thư không thể hủy ngang (Irrevocable Letter of Credit) vì ngân hàng mở tín dụng thư này phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền cho tổ chức xuất khẩu, tổ chức nhập khẩu sẽ không được tự ý sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ những nội dung của tín dụng thư này nếu không có sự đồng ý của người xuất khẩu. Như vậy, tín dụng thư này sẽ đảm bảo quyền lợi cho người xuất khẩu và hiện nay cũng đang được sử dụng rất phổ biến.

Bảo lãnh và tín dụng dự phòng (Stand By Letter of Credit- SBLC/SLOC): là phương pháp mà ngân hàng thực hiện một loại thư tín dụng được thay mặt cho thương nhân nhập khẩu, đảm bảo sẽ thanh toán, ngay cả khi thương nhân nhập khẩu không thể thực hiện thanh toán.

Phương thức chuyển tiền (Remittance): là phương thức mà trong đó thương nhân nhập khẩu yêu cầu ngân hàng chuyển một số tiền nhất định để thanh toán cho thương nhân xuất khẩu.

–Phương thức thư ủy thác mua hàng (Authority to Porchase- A/P): là phương thức mà thương nhân nhập khẩu ủy quyền cho ngân hàng của nước mình viết thư cho ngân hàng của nước xuất khẩu, yêu cầu ngân hàng này thay mặt mua hối phiếu ký phát của thương nhân xuất khẩu.

Phương thức ghi sổ (Open account): là phương thức mà thương nhân xuất khẩu sau khi hoàn thành giao hàng, thì ghi nợ tài khoản cho bên nhập khẩu vào một cuốn sổ theo dõi và việc thanh toán các khoản nợ này được thực hiện thông thường theo định kì như đã thỏa thuận.

Phương thức nhờ thu (Collection of payment): là phương thức mà thương nhân xuất khẩu sau khi giao hàng sẽ ủy thác cho ngân hàng xuất trình bộ chứng từ thông qua ngân hàng đại lý của thương nhân nhập khẩu để được thanh toán, chấp nhận hối phiếu hay chấp nhận các điều kiện và điều khoản khác.

Mỗi phương thức khác nhau sẽ có mức độ an toàn khác nhau và chi phí khác nhau. Chọn phương thức nào còn tùy thuộc vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp hai bên, tùy thuộc vào mức độ rủi ro của giao dịch và trong một số trường hợp thì tùy thuộc vào quy định của quốc gia yêu cầu để chọn phương thức thanh toán quốc tế phù hợp.

b) Trong xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, hình thức thanh toán được thực hiện theo thông lệ quốc tế như các phương thức phổ biến, cơ bản như trên. Tuy nhiên, trong xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, hình thức thanh toán chủ yếu là chuyển tiền qua tài khoản cá nhân hoặc tài khoản của doanh nghiệp xuất khẩu.

c) Có thể thanh toán bằng đồng USD hoặc những ngoại tệ tự do chuyển đổi khác.

 

5. Nên lựa chọn sử dụng trọng tài nước nào đối với điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng ngoại thương?

Các bên trong hợp đồng có yếu tố quốc tế thường đến từ các quốc gia khác nhau và do đó, tòa án quốc gia của một bên thường sẽ được coi là “tòa án nước ngoài” đối với bên còn lại. Phương thức trọng tài cho phép các bên lựa chọn địa điểm trọng tài tại một tổ chức/quốc gia trung lập bởi một hội đồng trọng tài được thành lập theo quy trình đảm bảo tính trung lập của hội đồng.

Trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, nhà xuất khẩu Việt Nam có thể lựa chọn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng ngoại thương để tận dụng lợi thế về ngôn ngữ, luật áp dụng, hiểu biết về luật pháp từ phía Việt Nam, giảm thiểu chi phí.

(Thông tin sơ bộ chỉ mang tính chất tham khảo, Qúy Doanh nghiệp cập nhật thêm các văn bản quy định hiện hành)

Mỹ Huê - P.QLTM (Nguồn Bộ Công Thương)