Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Doanh nghiệp An Giang tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal

Thị trường Halal là một thị trường rộng lớn trên toàn thế giới. Trong bối cảnh giao thương quốc tế phát triển nhanh chóng thì thị trường Halal ngày càng được chú trọng và được xác định là tiềm năng rất lớn khi người Hồi giáo hiện chiếm khoảng ¼ dân số thế giới và dự kiến chiếm 30% dân số thế giới vào năm 2024 và đạt 2,2 tỉ người năm 2030.

Mặt khác, do có lợi thế về vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á và Việt Nam lại là thành viên của Hiệp định RCEP (thành viên chủ yếu là các nước Châu Á) nên cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng vào thị trường Halal là rất lớn.

An Giang là tỉnh có nguồn nguyên liệu (gạo, thủy sản, rau củ quả) dồi dào, được đánh giá là có nguy cơ thấp trong Halal bởi không phối trộn nhiều chất phụ gia nên có nhiều tiềm năng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đa số đã có chứng chỉ Halal để xuất khẩu (12/21 doanh nghiệp xuất khẩu gạo có chứng nhận Halal; 10/21 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có chứng nhận Halal; 01 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả có chứng nhận Halal).Thị trường xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp trong tỉnh sang các quốc gia theo đạo hồi như: Indonesia, Malaysia, Singapore, Myanma, Ả-rập-Xê-Út, Ả-rập-Thống nhất, Quata; U-zơ-bê-ki-xtan, Ai Cập...

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh An Giang năm 2021 vào các nước thị trường Halal đạt 74 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông thủy sản của tỉnh vào các nước thị trường Halal đạt 64 triệu USD tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó mặt hàng gạo đạt 33 triệu USD (tăng 13% so với cùng kỳ), mặt hàng thủy sản đạt 31 triệu USD (tăng 8,9% so với cùng kỳ). Nhìn chung, giá trị kim ngạch chưa tương xứng với tiềm năng nhu cầu của thị trường rất lớn, trong khi các tiêu chuẩn Halal của từng quốc gia lại rất khác nhau nên doanh nghiệp có những khó khăn nhất định trong việc áp dụng từng bộ tiêu chuẩn của từng quốc gia Hồi giáo, cũng như khó khăn trong việc xác định được công nhận cấp giấy phép, giấy phép công nhận có phù hợp, có được chấp nhận ở thị trường hay không?....

Hiện nay, có 03 chương trình chứng nhận khác nhau, thời gian hiệu lực khác nhau từ 1-3 năm tùy chương trình, cho loại từng loại sản phẩm và thị trường khác nhau, tiêu chuẩn chất lượng khác nhau cụ thể:

Halal JAKIM: thời hạn chứng nhận 1 năm; loại sản phẩm đăng ký là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, bao bì...; phạm vi xuất khẩu là tất cả các nước, ngoại trừ Indonesia và Khối GCC; tiêu chuẩn áp dụng là Malaysia Standards: MS1500:2019...

Halal MUI: thời hạn chứng nhận 1 năm; loại sản phẩm đăng ký là nguyên liệu, bán thành phẩm và hương liệu; phạm vi xuất khẩu là tất cả các nước, ngoại trừ Malaysia và Khối GCC; tiêu chuẩn áp dụng là HAS 2300:1.

Halal GCC: thời hạn chứng nhận 3 năm; loại sản phẩm đăng ký là thực phẩm; phạm vi xuất khẩu chỉ có giá trị tại GCC (Khối GCC bao gồm: UAE, Kuwwait, Oman, Quatar, Saudi Arabia, Bahrain, Yemen); tiêu chuẩn áp dụng là GSO 2055 – 1:2015./.

Tác giả: Bảo Ngọc - Phòng QLTM