Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang

ipv6 ready
“Tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo những năm qua và giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu ngành hàng lúa, gạo tỉnh An Giang trong thời gian tới”

1. Tổng quan về sản xuất, xuất khẩu lúa gạo:

Từ sau đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ đó, sản xuất lúa gạo không ngừng phát triển cả về diện tích, năng suất và sản lượng, với tổng diện tích gieo trồng bình quân giai đoạn năm 2010-2015, đạt 7,56 triệu ha, năng suất bình quân năm đạt trên 7,5 tấn/ha, sản lượng lúa bình quân năm đạt 43,16 triệu tấn và quy gạo đạt 21,58 triệu tấn/năm. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở 2 vùng: Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Riêng Vùng ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, với diện tích gieo trồng, sản lượng lúa gạo chiếm trên 50% so với cả nước và cung cấp trên 90% sản lượng gạo cho xuất khẩu, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới. Với sản lượng xuất khẩu bình quân năm đạt 6,86 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD. Đến năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 8.131.000 tấn, tương đương với 4,7 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.

Đối với tỉnh An Giang là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là địa phương có sản lượng lúa lớn đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Kiên Giang) với tổng sản lượng lúa hằng năm đạt trên 4 triệu tấn, quy ra gạo ước đạt trên 2 triệu tấn.

Về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2005-2015

Hình 1: Sản lượng, kim ngạch xuất khẩu tỉnh An Giang giai đoạn 2005-2015

Nguồn: Sở Công Thương An Giang

Qua bảng số liệu trên Hình 1, cho thấy năm 2005 sản lượng xuất khẩu đạt 661 ngàn tấn gạo, kim ngạch 167 triệu USD chiếm trên 8% về lượng và gần 9% về giá trị kim ngạch xuất khẩu so với cả nước; đến năm 2015 sản lượng xuất khẩu đạt 543 ngàn tấn gạo, kim ngạch 250 triệu USD chiếm 7% về lượng và 7% về giá trị xuất khẩu so với cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm về sản lượng xuất khẩu giảm bình quân gần 2%/năm nhưng về giá trị tăng trên 2%/năm.

Về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2023

Hình 2: Sản lượng, kim ngạch xuất khẩu tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2023

Nguồn: Sở Công Thương An Giang

Qua bảng số liệu Hình 2, đến năm 2016, sản lượng xuất khẩu chỉ đạt 395 ngàn tấn gạo, kim ngạch 176 triệu USD, chỉ bằng 73% về lượng và bằng 70% về giá trị so năm 2015 và chiếm 8% về lượng và 8% về giá trị xuất khẩu so với cả nước. Đến năm 2023 sản lượng xuất khẩu đạt 580 ngàn tấn gạo, kim ngạch 339 triệu USD chiếm trên 7% về lượng và gần 7% về giá trị kim ngạch xuất khẩu so với cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016 - 2023 về sản lượng tăng gần 6%/năm và về giá trị tăng gần 10%/năm.

Về số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu:

- Năm 2022, tỉnh An Giang có 23 doanh nghiệp kinh doanh gạo đã được Bộ Công thương cấp phép chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Tổng năng lực của 23 doanh nghiệp trong tỉnh có sức chứa đạt: 523 ngàn tấn lúa và 552 ngàn tấn gạo; công suất xay xát đạt 628 tấn lúa/giờ và công suất xát trắng đạt 776 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 42 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh. Riêng 16 doanh nghiệp ngoài tỉnh có kho tại tỉnh An Giang có sức chứa đạt: 138.125 tấn thóc và 198.024 tấn gạo; công suất xay xát đạt 261 tấn thóc/giờ và công suất xát trắng đạt 342 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 20 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo An Giang đáp, ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc gạo (QCVN 01- 134:2013/BNNPTNT).

- Năm 2024, tỉnh An Giang có 14 doanh nghiệp kinh doanh gạo đã được Bộ Công thương cấp phép chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu; tổng năng lực của 14 doanh nghiệp trong tỉnh có sức chứa đạt gần 406 ngàn tấn thóc và 370 ngàn tấn gạo; công suất xay xát đạt 325 tấn thóc/giờ và công suất xát trắng đạt 390 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 20 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh. Riêng 18 doanh nghiệp ngoài tỉnh có kho tại tỉnh An Giang có sức chứa đạt: 151 ngàn tấn lúa và 251 ngàn tấn gạo; công suất xay xát đạt 366 tấn lúa/giờ và công suất xát trắng đạt 478 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 29 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo An Giang đáp, ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc gạo (QCVN 01- 134:2013/BNNPTNT).

Như vậy, về số lượng doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuộc tỉnh An Giang năm 2024 giảm 09 doanh nghiệp nhưng tăng 02 doanh nghiệp ngoài tỉnh (có cơ sở xay xát và lau bóng gạo xuất khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang).

Về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo tỉnh An Giang so với cả nước

Hình 3: Sản lượng, kim ngạch xuất khẩu gạo so với cả nước năm 2005, 2020 và Ước 2024

Nguồn: Sở Công Thương An Giang

Qua bảng số liệu Hình 3, cho thấy, sản lượng xuất khẩu gạo tỉnh An Giang giảm dần qua từng năm, sản lượng xuất khẩu năm 2005 đạt 661 ngàn tấn gạo, đến năm 2024 ước đạt 431 ngàn tấn gạo. Về tỷ lệ sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh An Giang năm 2005 chiếm gần 13% so tổng lượng xuất khẩu gạo cả nước nhưng đến năm 2024 ước cơ cấu này chỉ chiếm trên 5%.

 Tuy nhiên, điều đáng chú ý là giá xuất khẩu gạo bình quân tăng dần qua từng năm. Đơn cử giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2005 đạt 253USD/tấn nhưng đến năm 2024 ước 608USD/tấn. Điều này cho thấy, các quyết sách về nông nghiệp-nông dân-nông thôn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường quốc tế đã đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống người nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và dư thừa để xuất khẩu.

2. Dự báo thời gian tới

Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tình trạng bất ổn về an ninh, chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn rủi ro tới sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu. Xung đột quân sự giữa Nga – Ucraine; Israel – Hamas tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp tục kéo dài và đang có dấu hiệu lan rộng, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và giá nhiều loại hàng hóa, nhất là năng lượng, giá cước vận tải tăng cao do gián đoạn tại khu vực Biển Đỏ làm gia tăng chi phí.

Bỏ qua yếu tố biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên khóa 2024/2025 đạt trên 539 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó gần 537 triệu tấn vào tháng 9 năm 2024 và dự trữ gạo toàn cầu niên khóa 2024/2025 đạt mức kỷ lục gần 207 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó gần 205 triệu tấn và tăng so với ước tính 199 triệu tấn trong niên khóa 2023/2024. Điều này cho thấy, các quốc gia có sản lượng gieo trồng lúa, gạo tích cực bảo vệ các vụ mùa nhằm duy trì an ninh lương thực trong nước và đảm bảo dư thừa để xuất khẩu trong thời gian tới.

Chính sách nhập khẩu của các nước đang hình thành các rào cản kỹ thuật trong thương mại nhằm đảm bảo sức khỏe con người, môi trường, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên theo hướng bền vững, khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo và sử dụng các biện pháp về Phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước,...; dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp của tỉnh An Giang nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức to lớn từ những xu hướng mới của bảo hộ mậu dịch như: ưu tiên các sản phẩm có sử dụng năng lượng tái tạo, đảm bảo môi trường,....

Như vậy, ngành hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam và tỉnh An Giang nói riêng vẫn phải đối mặt với những khó khăn và thách lớn như: cạnh tranh về giá lẫn chất lượng; chi phí cấu thành giá xuất khẩu và rào cảng trong thương mại,...

3. Khó khăn

- Về cạnh tranh và thông tin thị trường:

+ Áp lực cạnh tranh khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo gần đây. Trong khi đó, công nghiệp phụ trợ phát triển chậm hoặc chưa phát triển tương xứng ở một số tỉnh có sản lượng lúa, gạo xuất khẩu lớn, dẫn đến chi phí gia tăng, sức cạnh tranh hàng hóa kém.

+ Hiện nay tỉnh An Giang vẫn chưa tiếp cận thông tin kịp thời về những động thái của các quốc gia sản xuất lúa gạo lớn để xuất khẩu; cũng như nhu cầu “thời điểm” để làm cơ sở định hướng cho người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu gạo biết và thực hiện.

- Về chi phí xuất khẩu, ảnh hưởng đại dịch Covid-19 vào năm 2021 và tiếp nối sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, vấn đề xung đột tại biển Đỏ làm các doanh nghiệp vận tải thay đổi tuyến vận chuyển. Một số cảng biển tại châu Á gặp tình trạng tắc nghẽn, tàu phải đợi rất lâu để khai thác dẫn tới tình trạng thiếu booking, mất cân bằng container giữa các cảng biển châu Á; yếu tố tỷ giá và chi phí logistics đang tăng cao do ảnh hưởng của lạm phát và giá nhiên liệu. Điều này làm tăng chi phí xuất khẩu và làm giảm lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam và tỉnh An Giang nói riêng.

- Về liên kết tạo vùng nguyên liệu lúa, gạo để chế biến xuất khẩu, một số doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất bền vững với nông dân và Hợp tác xã nông nghiệp; hợp đồng liên kết còn lỏng lẻo, qua loa nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ hợp đồng đã ký giữa nông dân với doanh nghiệp.

- Về số lượng doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuộc tỉnh An Giang, ngày càng giảm dần, và đến nay chỉ có 14 doanh nghiệp và thời gian gần đây doanh nghiệp đầu tàu kinh doanh trong lĩnh này của tỉnh An Giang đang gặp nhiều khó khăn; trong khi, sản lượng lúa hằng năm trên địa bàn tỉnh An Giang đạt trên 4 triệu tấn. Trong điều kiện nhu cầu gạo các nước trên thế giới giảm mạnh, nguồn cung trong nước lớn hơn nhu cầu thế giới và cần sự hỗ trợ thu mua lúa, gạo từ các doanh nghiệp cho người nông dân, chắc chắn trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức vì số lượng doanh nghiệp quá ít so với năng lực lúa gạo trong dân. 

- Về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được quy định tại Điều 5, Khoản 2 của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 có Quy định “Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận” và báo cáo về Bộ Công Thương về tính xác thực của doanh nghiệp; tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh có giấy phép nhưng vẫn “nằm im”, việc này sẽ ảnh hưởng đến tình hình thu mua lúa gạo trên địa bàn và không tạo được việc làm cho người lao động địa phương.

- Về doanh nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh An Giang, quá ít so với sản lượng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang,.....

4. Giải pháp

- Để đảm bảo thông tin kịp thời từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố có sản lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu lớn. Hình thành nhóm thông tin nhanh (zalo, email,...) về tình hình sản xuất lúa, gạo của cả nước cho từng thời điểm; đồng thời, cung cấp nhanh liên quan đến nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn gạo và đặc biệt là những động thái của các quốc gia nhập khẩu gạo trên thế giới để các tỉnh biết và triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo người trồng lúa, doanh nghiệp thụ hưởng từ những thông tin này.

- Rà soát các cảng biển, cảng sông, cảng vệ tinh,.... ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về năng lực, khả năng phát triển theo hướng liên kết vùng. Qua đó, xây dựng Quy hoạch, Kế hoạch,.... đầu tư cơ sở hạ tầng logistics, mời gọi các Tập đoàn logistics tham gia khai thác. Điều này giúp giảm chi phí vận chuyển ngành hàng lúa gạo nội vùng, tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

- Rà soát danh sách, số lượng doanh nghiệp từng tỉnh, thành phố có doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Phân bố doanh nghiệp xuất khẩu gạo hợp lý, tương ứng với sản lượng sản xuất lúa gạo hằng năm; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tham gia và đã tham gia đầu tư kho chứa lúa gạo và cơ sở xay xát ở những tỉnh, thành phố có sản lượng lúa, gạo lớn để tham gia xuất khẩu. Qua đó, góp phần giảm chi phí cấu thành nên giá xuất khẩu nhằm giải quyết lượng lúa, gạo của người nông dân khi nhu cầu thế giới có biến động giảm mạnh.

- Để tiếp tục nâng cao giá trị hạt gạo trong thời gian tới, bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong công tác giống lúa, nâng cao quy trình canh tác theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; cần xác định tầm quan trọng của việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lúa gạo, góp phần nâng giá trị hạt gạo và tiến đến xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh trong tương lai không xa, góp phần phát triển mạnh mẽ ngành hàng, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

- Liên kết tạo vùng nguyên liệu lúa, gạo để chế biến xuất khẩu là vấn đề cần được quan tâm vì mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng, giảm thiểu rủi ro biến động giá và thị trường, tăng hiệu quả và lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hiện nay nhằm hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp theo phương châm “Hài hòa lợi ích – Rủi ro chia sẻ”.

- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, góp phần hình thành vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi liên kết, từng bước xây dựng và hình thành chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo trong tương lai.

- Rà soát các doanh nghiệp hiện có giấy phép xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo; qua đó, xác lập số lượng doanh nghiệp hoạt động thực chất kể từ khi được Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu.

5. Đề xuất, kiến nghị

- Bộ Công Thương tiếp tục ý kiến đến các Tham tán thương mại ở các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn và ở các quốc gia có sản lượng lúa, gạo xuất khẩu nhiều, kịp thời thông tin về Bộ Công Thương để tổng hợp chuyển thông tin đến các địa phương; đồng thời, Bộ Công Thương sớm tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Qua đó, góp phần vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước vừa thúc đẩy xuất khẩu theo hướng bền vững, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người nhập khẩu, tăng thu nhập cho người nông dân,....; đồng thời, tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền theo hướng “trên-dưới, ngang-dọc, thông suốt” góp phần phát triển ngành hàng lúa, gạo hơn nữa trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

- Bộ Công Thương xem xét, tiến hành rà soát các Hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam ký kết nhằm điều chỉnh, bổ sung danh mục chủng loại gạo Việt Nam không còn phù hợp hiện nay để đề nghị đưa vào những loại gạo có giá trị, chất lượng cao vào danh mục sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan trong thời gian tới.  

- Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của tỉnh An Giang sớm được phép kinh doanh xuất khẩu gạo để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thu mua lúa gạo trong dân, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu ngành hàng lúa gạo trên địa bàn tỉnh An Giang và cả nước nói chung.

-  Theo quy định hiện nay, đất đai để làm trung tâm logistics được quy vào nhóm đất thương mại, dịch vụ và phải tổ chức đấu giá, đấu thầu. Trong khi đầu tư logistics là việc đầu tư hạng mục hạ tầng có suất đầu tư khá cao, tuy nhiên, thu hồi vốn rất chậm. Việc này không khác nào các nhà đầu tư bỏ tiền lớn để đầu tư nhưng thu về tiền lẻ. Do đó, đòi hỏi phải có cơ chế đặc thù. Kiến nghị Bộ Công Thương ý kiến đến Bộ ngành Trung ương thống nhất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo hướng đất đai làm trung tâm logistics đưa vào nhóm giống như khu cụm công nghiệp hay đất chợ khu vực nông thôn, miền núi.

- Bộ Công Thương nghiên cứu, thống nhất với các Bộ ngành Trung ương kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào xuất khẩu (như: tiếp cận vốn vay ưu đãi, giảm thuế,..); đồng thời, có chính sách đặc biệt ưu đãi khi các doanh nghiệp đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, sử dụng kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng, xây dựng vùng nguyên liệu có liên kết với nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp (nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển, yêu cầu gạo xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, môi trường và nguồn gốc sản phẩm. Việc liên kết với người trồng lúa giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý và tuân thủ các tiêu chuẩn),... nhằm đảm bảo sự phù hợp của các quốc gia nhập khẩu và tăng khả năng cạnh tranh cùng loại hàng hóa so với các quốc gia khác.

- Bộ Công Thương có văn bản giao các Sở Công Thương địa phương, nơi doanh nghiệp có kho chứa, cơ sở xay, xát,.... được Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có dấu hiệu “nằm im” để báo cáo về Bộ Công Thương nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khác tham gia xuất khẩu gạo thực chất hơn, góp phần thu mua lúa, gạo hàng hóa trong dân và tạo việc làm cho người lao động địa phương.

Với những dự báo, khó khăn, giải pháp và đề xuất kiến nghị trên được quan tâm và tháo gỡ. Tin tưởng rằng ngành hàng xuất khẩu lúa, gạo tỉnh An Giang trong thời gian tới sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường nội địa phát triển hơn./.

Trần Thanh Tuấn-Phòng Quản lý thương mại