Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Vận Chuyển Hàng Hóa Khi Xuất Khẩu Chính Ngạch Sang Thị Trường Trung Quốc

1. Doanh nghiệp xuất khẩu có nên tự thuê phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu hay để cho doanh nghiệp nhập khẩu thuê?

Việc thuê phương tiện vận tải có thể do bên bán (đơn vị xuất khẩu phía Việt Nam) hoặc bên mua (đơn vị nhập khẩu phía Trung Quốc) tiến hành, phụ thuộc vào điều kiện giao hàng mà hai bên đã thống nhất. Ngoài các phương thức giao hàng đường biển, đối với đường bộ, các doanh nghiệp lựa chọn phương thức giao hàng khác tùy thuộc điều kiện giao hàng mà bên bán, bên mua tiến hành  thuê phương tiện vận tải, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, bên xuất khẩu sẽ phải tiến hành thuê phương tiện vận tải nếu hợp đồng xuất khẩu quy định bên bán thuê phương tiện để chở hàng. Phương thức này được thực hiện trong điều kiện cơ sở giao hàng của hợp đồng xuất khẩu là:

CPT (Carriage Paid To - Cước phí trả tới): là người bán giao hàng cho người chuyên chở do người mua chỉ định tại một địa điểm đã thỏa thuận (người bán phải ký hợp đồng, thanh toán chi phí vận chuyển để đưa hàng hóa đến địa điểm đến đã định và thông quan hàng hóa; sau đó người mua chịu mọi chi phí).

CIP (Carriage and Insurance Paid - Cước phí và phí bảo hiểm trả tới): giống như CPT với ngoại lệ là người bán phải có bảo hiểm hàng hải tối thiểu.

DPU (Delivered at Place Unloaded – Giao tại địa điểm đã dỡ xuống): là người bán giao hàng cho người mua ngay khi hàng hóa được dỡ xuống từ phương tiện vận tải chở đến tại địa điểm đến được chỉ định.

DAP (Delivered at Place - Giao tại nơi đến): là người bán giao hàng cho người mua trên phương tiện vận tải chở đến và sẵn sàng để dỡ tại địa điểm đến được chỉ định.

DDP (Delivered Duty Paid - Giao hàng đã nộp thuế): là người bán thanh toán cước phí vận chuyển, thuế và chịu mọi rủi ro cho đến khi hàng hóa được giao cho người mua.

- Thứ hai, bên nhập khẩu sẽ phải tiến hành thuê phương tiện vận tải chuyên chở về nước nếu hợp đồng xuất khẩu quy định giao hàng tại quốc gia bên xuất khẩu. Phương thức này được thực hiện trong điều kiện cơ sở giao hàng của hợp đồng xuất khẩu là:

a) EXW (EX Works- Giao tại xưởng): là người bán giao hàng cho người mua tại một địa điểm chỉ định, người bán sẽ bàn giao hàng tại nhà máy, kho xưởng v.v... và người mua sẽ chịu trách nhiệm với tất cả công việc còn lại như: xếp hàng lên phương tiện vận chuyển, đặt lịch tàu v.v...

b) FCA (Free Carrier - Giao cho người chuyên chở): là người bán giao hàng cho người chuyên chở do người mua chỉ định tại địa điểm được chỉ định.

Đối với đặc thù mặt hàng rau quả, doanh nghiệp nên chọn phương thức FCA và EXW do không ảnh hưởng đến thị phần của doanh nghiệp vận tải tại nội địa, không chịu rủi ro khi nhập khẩu chậm do nhà nhập khẩu thuê phương tiện vận tải cũng như phù hợp với năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ).

 

2. Có những cách thức nào để vận chuyển nông sản nói chung và rau quả nói riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc?

Vận chuyển nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể thực hiện bằng nhiều loại hình vận tải, trong đó có thể kể đến đường bộ, đường biển, đường sắt hoặc đường hàng không. Với vị trí địa lý thuận lợi, xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ với giá cả cạnh tranh khi xuất khẩu vào các tỉnh giáp biên giới Việt Nam (Quảng Tây, Vân Nam).

Với các địa phương khác của Trung Quốc, thương nhân có thể lựa chọn vận tải bằng đường bộ, đường sắt, đường biển qua các cửa khẩu như: Phòng Thành, Khâm Châu, Thượng Hải, Đại Liên, Thẩm Quyến, v.v...

Hình thức vận chuyển nào cũng tồn tại những khó khăn và có những thuận lợi, do vậy, doanh nghiệp cân nhắc khi lựa chọn hình thức vận chuyển để tối ưu hóa lợi nhuận của doanh nghiệp và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

 

3. Có thể tìm các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển và logistics ở đâu?

Hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển và logistics đều có website. Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin bằng công cụ tìm kiếm phổ biến trên thế giới và tại Trung Quốc.

Ngoài ra, đối với ngành vận chuyển và logistics Việt Nam, doanh nghiệp có thể liên hệ với các Hiệp hội sau:

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam;

Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam;

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam;

Hiệp hội Logistics Hải Phòng;

Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh;

Hiệp hội Logistics Bình Dương.

 

4. Doanh nghiệp lựa chọn điều kiện giao hàng phục vụ xuất khẩu hàng hóa nông sản chính ngạch theo các tiêu chí nào?

a) Lựa chọn điều kiện giao hàng theo phương thức vận tải

Khi hàng hóa được vận chuyển bằng những phương thức vận tải không phải đường biển hoặc đường thủy nội địa như vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không hay vận tải đa phương thức, cần lựa chọn EXW, FCA, CPT, CIP, DPU hay DDP.

Nếu phương thức vận tải sử dụng để chuyên chở hàng hóa là đường biển hay đường thủy nội địa, thích hợp nhất để lựa chọn điều kiện giao hàng là sử dụng FAS, FOB, CFR, CIF.

b) Lựa chọn điều kiện giao hàng theo điểm giao hàng cụ thể

- Điểm giao hàng tại cơ sở của người bán: có thể sử dụng EXW hoặc FCA.

- Điểm xuất phát nằm ngoài cơ sở của người bán: có thể sử dụng FCA, CPT hoặc CIP.

- Điểm giao hàng nằm trên biên giới đất liền: có thể sử dụng DAP, DPU hay DDP. Nhìn chung, khi người bán giao hàng tại nơi đến nói chung (có thể là cảng đến, hoặc không tại cơ sở của người mua) bắt buộc phải sử dụng nhóm D.

- Điểm giao hàng trên cầu cảng hoặc trên sà lan ngay sát mạn tàu tại cảng bốc hàng (vận tải đường biển hay đường thủy nội địa): duy nhất phù hợp là FAS.

- Điểm giao hàng nằm trên tàu tại cảng bốc hàng (vận tải đường biển hay đường thủy nội địa): có thể sử dụng FOB, CFR hoặc CIF (tùy thuộc vào việc người bán có chịu cước phí vận chuyển và bảo hiểm đường biển hay không).

Khi người bán giao hàng tại cảng đến: (i) điểm giao hàng tại tàu thì sử dụng DAP, còn điểm giao hàng tại cầu cảng thì dùng DPU; (ii) điểm giao hàng không phải là trên tàu hoặc trên cầu cảng (có thể là kho, bãi của cảng đến) thì sử dụng DAT, DAP hoặc DDP, tùy thuộc vào việc hàng hóa đã được dỡ và thông quan nhập khẩu hay chưa.

c) Lựa chọn điều kiện giao hàng theo phân chia rủi ro và chi phí giữa thương nhân xuất khẩu và thương nhân nhập khẩu

Nếu người bán không muốn chịu rủi ro và chi phí liên quan đến hàng hóa trong quá trình chuyên chở, người bán có thể sử dụng EXW và FCA. Ngược lại, nếu người mua không muốn chịu rủi ro và chi phí liên quan đến hàng hóa trong quá trình chuyên chở, có thể chọn một trong các hình thức nhóm D.

Trong trường hợp người bán chấp nhận chịu chi phí nhưng không muốn chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa trong quá trình chuyên chở, có thể chọn một trong các hình thức nhóm C.

d) Lựa chọn điều kiện giao hàng theo xu hướng biến động cước phí/phí bảo hiểm trên thị trường

Khi dự đoán giá cước phí (hoặc phí bảo hiểm) trên thị trường vận tải (hoặc bảo hiểm) có xu hướng tăng, nên sử dụng các điều kiện theo đó quyền thuê phương tiện vận tải/mua bảo hiểm thuộc phía bên kia để tránh thiệt hại về sự biến động cước phí/phí bảo hiểm giữa thời điểm ký hợp đồng mua bán và thời điểm ký hợp đồng chuyên chở/mua bảo hiểm.

(Thông tin sơ bộ chỉ mang tính chất tham khảo, Qúy Doanh nghiệp cập nhật thêm các văn bản quy định hiện hành)

Mỹ Huê - P.QLTM (Nguồn Bộ Công Thương)