Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tại Kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với các nội dung như sau:

HÌNH ẢNH HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT TẠI KỲ HỌP THỨ 12 (CHUYÊN ĐỀ)

Phát triển An Giang trở thành tỉnh năng động, hiện đại, văn minh, sinh thái và bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm phát triển bao trùm và hướng tới thịnh vượng; phát triển vì con người, chú trọng gìn giữ và tôn tạo sự đa dạng văn hóa, các giá trị truyền thống, lịch sử; tôn trọng quy luật tự nhiên và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên.

Phát triển nhanh, mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hướng đến tăng năng suất, giảm giá thành, tăng hiệu quả và tăng giá trị. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi mô hình sinh kế theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh các loại hình doanh nghiệp, các khu vực kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế hợp tác xã.

Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên nước ngọt của vùng đất đầu nguồn, hạn chế các tác động xấu đến môi trường sinh thái; bảo đảm phục hồi và phát huy giá trị sinh thái cho thế hệ mai sau như: tăng diện tích dành cho rừng và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; phục hồi và tăng đa dạng sinh học; phục hồi đất; phát triển các giá trị cảnh quan đặc thù của từng tiểu vùng. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảm bảo bộ máy quản lý nhà nước thực sự năng động, thân thiện, kỷ luật, hiệu quả. Chính quyền địa phương giữ vai trò kiến tạo, then chốt trong việc thúc đẩy hợp tác địa phương, liên kết vùng và hội nhập quốc tế; tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, thu hút đầu tư, tăng cơ hội việc làm, giảm bất bình đẳng, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng sống của cư dân.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động mở rộng các quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - xã hội…. Tổ chức, sắp xếp không gian phát triển đảm bảo phát huy vị thế chiến lược của tỉnh và tầm quan trọng của liên kết với vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, vùng thành phố Hồ Chí Minh và vùng thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia); đảm bảo tính có thể mở rộng, có thể liên kết của các không gian phát triển mới trong tổng thể mối quan hệ liên ngành, liên vùng. Ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế, khu vực trọng điểm, cực tăng trưởng để tạo động lực phát triển. Phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính bình đẳng về cơ hội phát triển, tiếp cận của người dân; đồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế tự nhiên, văn hóa… của các tiểu vùng, các địa phương, tạo dựng nền tảng phát triển bền vững cho tỉnh.

Ưu tiên phát triển nhanh hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu chức năng như khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, hạ tầng đô thị …, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số phù hợp với định hướng tổ chức và khai thác lãnh thổ, tạo ra các không gian phát triển mới với tầm nhìn dài hạn. Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ tại các khu vực động lực, hành lang kinh tế, những điểm đầu mối (hub) cấp vùng, xuyên biên giới, tạo động lực phát triển đột phá ở những địa bàn có tiềm năng, lợi thế; đồng thời, từng bước mở rộng hạ tầng kết nối giữa các khu vực, bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân đối giữa các tiểu vùng trên địa bàn tỉnh. Sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, kết hợp với ngân sách Trung ương để tập trung đầu tư tạo sự kết nối giữa hạ tầng nội tỉnh với hạ tầng của quốc gia và của vùng. Huy động nguồn lực doanh nghiệp và dân cư tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mục tiêu phát triển tỉnh đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển vững chắc hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và một số ngành công nghiệp chế tác, là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển giống nông nghiệp, giống thủy sản và dược liệu, là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia và các nước khu vực ASEAN, là trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng; không gian kinh tế - xã hội được bố trí hợp lý, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối hiệu quả với các địa phương trong vùng; đời sống mọi mặt của Nhân dân được nâng cao; an sinh xã hội được bảo đảm; các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được cải thiện; tiềm lực quốc phòng được củng cố, ngày càng vững chắc; chính trị, an ninh trật tự được ổn định.

Đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao; là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách từ mọi miền đất nước; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là kết nối thông suốt với khu vực, trong nước và quốc tế; là thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tinh của cả nước; là đích đến của các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn của thế giới; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; là địa phương gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, đa dạng sinh học, đồng thời là phát triển bền vững mô hình kết hợp giữa du lịch tâm linh, du lịch sinh thái với thương mại hàng hóa, dịch vụ đặc trưng của địa phương. Quốc phòng và an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm./.

Tác giả: Nguyễn Hùng - Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang