Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang

ipv6 ready
Triển khai thi hành Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) số 72/2020/QH14 (còn gọi là Luật BVMT năm 2020) được Quốc hội ban hành ngày 17/11/2020 và có hiệu lực ngày từ 01/01/2022.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 gồm có 16 Chương 171 Điều (so với Luật BVMT năm 2014 gồm 20 Chương 170 Điều) quy định về hoạt động BVMT; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động BVMT. Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, các đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời.

Thực hiện phân loại rác tại nguồn, tăng cường tái chế để góp phần bảo vệ môi trường

Mục tiêu của việc xây dựng Luật BVMT năm 2020 là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật BVMT trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh quốc tế đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Quan điểm xây dựng Luật BVMT năm 2020 gồm có:

(1) BVMT phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tham gia công tác BVMT;

(2) BVMT phải lấy bảo vệ sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường;

(3) Với vai trò là một đạo luật cơ bản về BVMT, Luật BVMT phải đảm bảo được tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục được sự phân tán, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc định hình chuyển đổi các mô hình kinh tế theo hướng bền vững;

(4) Tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cam kết quốc tế, trách nhiệm được quy định trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Cán bộ, công chức, viên chức, cơ sở, doanh nghiệp,… có thể tìm hiểu nội dung chi tiết của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được đăng tại trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ tại địa chỉ: https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=202613 để thực hiện đúng các quy định của Luật.

Nguồn: Phòng Quản lý Công nghiệp (Tâm Yên)