Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Quy Định Của Eu Đối Với Một Số Thực Phẩm Cụ Thể Khác

Sở Công Thương An Giang xin chuyển tiếp thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển về quy định của EU đối với một số thực phẩm cụ thể khác đến Qúy doanh nghiệp trong tỉnh tham khảo, cụ thể:

I.  Thực phẩm mới

Quy định khung (EU) 2015/2283 về thực phẩm mới đã được áp dụng từ ngày 1/1/2018. Thực phẩm mới được định nghĩa là thực phẩm mà chưa được tiêu thụ đến một mức độ đáng kể trong EU trước ngày 15/5/1997 và thuộc một trong số mặt hàng được liệt kê tại điều 3 của quy định (ví dụ như  bột chiết xuất Cranberry). Nó có thể là một thực phẩm mới được phát triển, sáng tạo từ kết quả của kỹ thuật sản xuất mới (ví dụ như công nghệ nano) cũng như thực phẩm truyền thống từ một quốc gia khác nhưng không được người tiêu dùng EU biết đến (ví dụ như nước ép trái nhàu noni). Quy định đối với thực phẩm mới không áp dụng cho thực phẩm biến đổi gien, phụ gia, enzyme, hương liệu và dung môi chiết xuất.

Thủ tục cấp phép: Thực phẩm mới yêu cầu cần có giấy phép trước khi đưa vào thị trường. Các đơn xin giấy phép phải được nộp cho Ủy ban châu Âu qua hệ thống e-Submission. Ủy ban có thể yêu cầu Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) thực hiện đánh giá rủi ro. Quy định (EU) 2017/2469 đặt ra yêu cầu hành chính và khoa học cho các đơn xin phép thực phẩm mới.

Danh sách thực phẩm mới của EU: Quy định (EU) 2017/2470 thiết lập một danh sách các loại thực phẩm mới được cấp phép tại EU. Danh sách bao gồm các thông số kỹ thuật, điều kiện sử dụng, yêu cầu ghi nhãn bổ sung và yêu cầu giám sát sau đó.

Tình trạng thực phẩm mới: Các nhà kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm kiểm tra xem thực phẩm họ dự định đưa vào thị trường EU là thực phẩm mới hay không? Quy định (EU) 2015/2283 về thực phẩm mới cung cấp cho một quá trình tư vấn khi không chắc chắn về tình trạng thực phẩm hoặc thành phần thực phẩm. Quy định (EU) 2018/456 liệt kê các thủ tục mà nhà kinh doanh thực phẩm phải làm theo để tham khảo ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên mà họ định tiếp thị sản phẩm.

Vật liệu nano: Vật liệu nano cần giấy phép thực phẩm mới trước khi được đưa vào sử dụng trong thực phẩm.

Thực phẩm vô tính: Cho đến khi luật riêng về thực phẩm vô tính được thông qua, thực phẩm vô tính sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định thực phẩm mới.

 

Thực phẩm truyền thống từ các nước không thuộc EU: Quy định thực phẩm mới 2015/2283 đưa ra một thông báo nhanh hơn và thủ tục đánh giá được đơn giản hóa cho các thực phẩm truyền thống với một lịch sử sử dụng thực phẩm an toàn đã được chứng minh từ các nước ngoài EU. Quy định (EU) 2017/2468 đặt ra các yêu cầu hành chính và khoa học cho việc thông báo các loại thực phẩm truyền thống nằm trong phạm vi của quy định thực phẩm mới.

Tham khảo thêm các quy định và hướng dẫn về thực phẩm mới tại https://ec.europa.eu/food/safety/novel-food_en.

 

II. Thực phẩm từ nhân bản động vật

Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhân bản hiện đang nằm trong phạm vi của quy định (EU) 2015/2283 về thực phẩm mới.

Theo quy định này, thực phẩm được sản xuất bởi "phương pháp chăn nuôi mới" cần được thông qua trước khi đưa vào thị trường dựa trên đánh giá rủi ro.

III. Công nghệ nano

Hiện nay, các quy định của EU đề cập đến vật liệu nano trong thực phẩm bao gồm:

Thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng (FIC): Sự hiện diện của vật liệu nano được đưa vào các sản phẩm thực phẩm phải được ghi rõ ràng trên nhãn. Tên của các thành phần như vậy phải được theo sau bởi từ "Nano" trong ngoặc (Điều 18 quy định (EU) 1169/2011).

Quy định thực phẩm mới: Quy định (EU) 2015/2283 về thực phẩm mới định nghĩa vật liệu nano là "bất kỳ vật liệu nào được cố ý sản xuất có một hoặc nhiều kích thước theo thứ tự từ 100 nm trở xuống hoặc là bao gồm các bộ phận chức năng rời rạc, hoặc bên trong hoặc trên bề mặt, nhiều bộ phận trong số đó có một hoặc nhiều kích thước theo thứ tự từ 100 nm trở xuống, bao gồm các cấu trúc, chất kết tụ hoặc tập hợp, có thể có một kích thước trên 100 nm nhưng vẫn giữ được các thuộc tính đặc trưng của kích thước nano" (Điều 3.2. f).

Phụ gia thực phẩm: Quy định (EC) 1333/2008 cho rằng khi "có một sự thay đổi đáng kể trong các phương pháp sản xuất hoặc trong các vật liệu ban đầu được sử dụng" đối với các phụ gia thực phẩm đã có trong danh sách các phụ gia thực phẩm được phép, "hoặc có một sự thay đổi trong kích thước hạt, ví dụ thông qua công nghệ nano, phụ gia thực phẩm được điều chế bằng các phương pháp hoặc vật liệu mới sẽ được coi là một chất phụ gia khác và tiếp cận mới trong danh sách cộng đồng hoặc một thay đổi thông số kỹ thuật được yêu cầu trước khi lưu thông ngoài thị trường."

Vật liệu tiếp xúc với thực phẩm: Quy định (EC) 450/2009 về bao bì tích cực và thông minh nêu "công nghệ mới để thiết kế chất với các tính chất hóa học và vật lý khác với các chất tương tự ở mức lớn hơn, ví dụ như các hạt nano, nên được đánh giá tùy theo từng trường hợp cụ thể liên quan đến rủi ro cho đến khi biết thêm thông tin về công nghệ đó.

Thông tin tham khảo thêm: EU Science Hub

 

IV. Thực phẩm tăng cường

Quy định (EC) 1925/2006 xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn EU cho việc bổ sung các vitamin, khoáng chất và các chất khác như chiết xuất thảo dược vào thực phẩm. Quy định này liệt kê các vitamin và khoáng chất có thể được thêm vào thực phẩm và đặt tiêu chí để thiết lập mức tối đa và tối thiểu.

Vitamin và khoáng chất phải được thể hiện theo tỷ lệ phần trăm của "lượng tham chiếu" được liệt kê trong phụ lục III của quy định (EU) 1169/2011 về Thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng (xem thêm phần "tuyên bố dinh dưỡng.") Việc sử dụng các vitamin và khoáng chất không nằm trong các phụ lục của quy định (EC) 1925/2006 là không được phép. Việc "đăng ký cộng đồng" bổ sung các vitamin, khoáng chất và một số chất khác có sẵn trên trang web của Ủy ban châu Âu.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/safety/labelling_nutrition/vitamins_minerals_en

 

V. Thực phẩm dinh dưỡng

Quy định (EU) 609/2013, áp dụng kể từ ngày 20/7/2016, đặt ra quy tắc về thành phần và ghi nhãn cho các loại thực phẩm có sử dụng dinh dưỡng cụ thể. Phạm vi được giới hạn cho sữa công thức của trẻ sơ sinh và trẻ em, thực phẩm ngũ cốc chế biến và thức ăn trẻ em, thực phẩm cho mục đích y tế đặc biệt và chế độ ăn kiêng để kiểm soát cân nặng. Thực phẩm ăn kiêng, ví dụ như thực phẩm không chứa gluten, được coi là thực phẩm bình thường, không nằm trong quy định (EU) 609/2013 và phải tuân thủ các quy tắc đặt ra  trong quy định (EU) 1169/2011 về Thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng, quy định (EC) 1925/2006 về việc Bổ sung các vitamin và khoáng chất vào thực phẩm và quy định (EC) 1924/2006 về Tuyên bố dinh dưỡng và sức khỏe. Quy định (EU) 2016/128 đặt ra yêu cầu cụ thể đối với thực phẩm dành cho các mục đích y tế đặc biệt (FSMPs).

Quy định (EU) 2016/127 đưa ra yêu cầu cụ thể về thành phần và ghi nhãn đối với sữa công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ em.

Quy định (EU) 2018/561 quy định chi tiết protein trong sữa dành cho trẻ em.

Quy định (EU) 2019/828 đặt ra yêu cầu về vitamin D cho sữa công thức cho trẻ sơ sinh và axit erucic cho sữa công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ em.

Quy định (EU) 2017/1798 đặt ra các quy tắc mới cho "các thực phẩm ăn kiêng thay thế hoàn toàn để kiểm soát trọng lượng". Các quy định mới sẽ được áp dụng từ ngày 27/10/2022.

Quy định (EU) 2018/97 cấm việc sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo trong các sản phẩm bánh dinh dưỡng.

Các nguyên tắc mới về giảm mức acrylamide trong thực phẩm được đặt ra trong quy định (EU) 2017/2158 được áp dụng từ ngày 11/4/2018. Các quy tắc mới cũng áp dụng cho thức ăn trẻ em và thực phẩm ngũ cốc chế biến dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

 

 Thực phẩm bổ sung

Chỉ thị 2002/46/EC chỉ đưa ra các quy tắc hài hòa của EU về ghi nhãn và vitamin, khoáng chất có thể được sử dụng trong thực phẩm bổ sung. Các khía cạnh quan trọng trong việc tiếp thị của thực phẩm bổ sung như mức tối thiểu và tối đa của vitamin và khoáng chất hoặc sử dụng các chất khác như chất chiết xuất từ thực vật vẫn thuộc thẩm quyền của các nước thành viên. Chỉ thị 2002/46/EC định nghĩa thực phẩm bổ sung là thực phẩm, có nghĩa việc xuất khẩu thực phẩm bổ sung vào thị trường EU không chỉ tuân thủ chỉ thị 2002/46/EC mà còn phải tuân thủ các quy định theo chiều ngang áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm bao gồm các quy định về chất phụ gia, thực phẩm mới, vệ sinh, chất gây ô nhiễm và thực phẩm biến đổi gien.

VI. Thực phẩm chiếu xạ

Việc hài hòa hóa các quy tắc của EU về chiếu xạ thực phẩm diễn ra khá chậm và chỉ có một vài sản phẩm cho đến nay đã nhận được chứng nhận rộng rãi của EU.

Chỉ thị chung 1999/2/EC đưa ra các thủ tục tiếp thị, ghi nhãn, nhập khẩu, kiểm soát và các khía cạnh kỹ thuật của chiếu xạ thực phẩm. Các loại thực phẩm hoặc thực phẩm có chứa các thành phần được chiếu xạ phải được dán nhãn "chiếu xạ" hoặc "được điều trị bằng tia ion hóa."

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/safety/biosafety/irradiation_en

 

VII. Thức ăn cho vật nuôi

Tại EU, thực phẩm dành cho vật nuôi là đối tượng điều chỉnh của Luật Thú y và thức ăn chăn nuôi. Luật tiếp thị thức ăn chăn nuôi bao gồm thức ăn cho vật nuôi cũng như thức ăn các động vật nuôi để làm thức ăn. Luật Thú y bao gồm các sản phẩm có nguồn gốc động vật và cỏ khô/rơm rạ cũng như các sản phẩm có nguy cơ lây lan dịch vật cho động vật. Các sản phẩm thức ăn cho thú nuôi có chứa một thành phần có nguồn gốc động vật phải có nguồn gốc từ các cơ sở được phê duyệt và phải kèm theo giấy chứng nhận thú y. Tất cả thức ăn cho vật nuôi xuất khẩu vào EU phải tuân thủ các yêu cầu của EU bao gồm dán nhãn, vệ sinh, sức khỏe động vật, chứng nhận và việc sử dụng các chất phụ gia.

Quy định (EC) 767/2009 đặt ra các quy tắc cho việc ghi nhãn và tiếp thị thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho vật nuôi.

Thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho vật nuôi không tuân thủ quy định (EC) 767/2009 và các quy định (EC) 1831/2003 về phụ gia thức ăn chăn nuôi sẽ không được tiêu thụ tại thị trường EU.

 

Điều kiện để trộn thuốc thú y vào thức ăn gia súc được quy định trong chỉ thị 90/167/EEC. Tuy nhiên chỉ thị này sẽ được thay thế bằng quy định (EU) 2019/4 từ ngày 28/1/2022.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/animals/health/veterinary-medicines-and-medicated-feed/medicated-feed-safe-and-controlled-oral_en

Các nhân viên kiểm tra biên giới EU sẽ xác nhận các nhãn mác thức ăn gia súc nhập khẩu có tuân thủ các yêu cầu của EU hay không. Phụ lục 4 của "Quy tắc thực hành dán nhãn tốt cho thức ăn gia súc" được soạn thảo bởi ngành công nghiệp thức ăn gia súc châu Âu (FEDIAF) thiết lập một "danh sách kiểm tra" mà các nhà sản xuất thức ăn gia súc có thể sử dụng để kiểm tra việc tuân thủ các quy tắc ghi nhãn của EU.

Quy định (EU) 68/2013 thiết lập danh mục các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cho phép các nhà khai thác sử dụng tên và biểu thức chính xác hơn cho thức ăn chăn nuôi mà họ đưa ra thị trường. Phụ lục của Catalogue bao gồm ba phần: A) quy định chung, B) bảng thuật ngữ của các quy trình và C) danh sách các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Khuyến nghị 2011/25/EU của Ủy ban thiết lập hướng dẫn về sự khác biệt giữa nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phụ gia thức ăn chăn nuôi, sản phẩm diệt khuẩn và sản phẩm thuốc thú y.

Thông tin tham khảo thêm: https://ec.europa.eu/food/safety/animal-feed_en

 

VIII. Thực phẩm chay và thuần chay

Quy định 1169/2011 về việc Thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng yêu cầu EC đặt ra các quy tắc ghi nhãn tự nguyện cho các thực phẩm phù hợp với người ăn chay và thuần chay. Cho đến nay, EC vẫn chưa công bố một định nghĩa được hài hòa của EU về "chay" và "thuần chay." Trong trường hợp không có quy tắc hài hòa của EU, các công ty thực phẩm đã bắt đầu sử dụng "European V-lable", một chương trình ghi nhãn được đưa ra bởi Hiệp hội những người ăn chay châu Âu (EVU).

Thông tin tham khảo thêm: https://www.v-label.eu/about-v-label

Theo http://vietnamexport.com – Nguồn Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển