Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Tìm Kiếm Khách Hàng Trung Quốc Để Xuất Khẩu Chính Ngạch Sang Thị Trường Trung Quốc

1. Tôi nên bắt đầu tìm kiếm khách hàng Trung Quốc ở đâu, từ những nguồn nào và như thế nào?

Một trong những cách tìm kiếm khách hàng miễn phí và đơn giản nhất mà doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện là sử dụng công cụ Trademap của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC).

ITC có nguồn cơ sở dữ liệu thông tin về nhập khẩu, đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp nhập khẩu tương đối dồi dào và đầy đủ thông tin cần thiết nhất.

Bước 1: Doanh nghiệp truy cập vào trang web: https:// trademap.org

Bước 2: Nhập mã HS của hàng nông sản mình cần tìm kiếm

Bước 3: Chọn nước nhập khẩu là“ China” (Trung Quốc)

Bước 4: Chọn “Company”. Ta sẽ thấy danh sách các công ty nhập khẩu hàng nông sản ở Trung Quốc kèm theo thông tin liên hệ như website, fax, số điện thoại.

Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là không có sự tương tác với nhà nhập khẩu; có khả năng nhà nhập khẩu không có nhu cầu, không phản hồi thông tin.

Cách hiệu quả và nhanh chóng nhất để tìm kiếm khách hàng tiềm năng là tham dự các Hội chợ triển lãm quốc tế, tham gia Đoàn công tác xúc tiến thương mại do các tổ chức, cơ quan nhà nước, Hiệp hội ngành hàng tổ chức. Đây là cơ hội để doanh nghiệp mua và doanh nghiệp bán gặp gỡ trực tiếp với nhau, cùng trao đổi, thống nhất cách thức liên hệ, đàm phán hợp đồng nguyên tắc tạo mối quan hệ lâu dài. Hiện nay, Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, các Vụ Thị trường ngoài nước) hàng năm tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thúc đẩy xuất khẩu. Các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin về các chương trình trên website của Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn) để nắm các chương trình và kịp thời đăng ký tham gia.

Một cách nữa, doanh nghiệp liên hệ Cơ quan Thương vụ của Bộ Công Thương tại nước ngoài để được giới thiệu và tư vấn khách hàng có nhu cầu nhập khẩu. Thương vụ sẽ nắm được thông tin của doanh nghiệp nhập khẩu.

2. Làm thế nào để xác minh năng lực và độ tin cậy của khách hàng Trung Quốc?

Sau khi tìm được khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp có thể sử dụng một số phương pháp sau để xác minh thông tin và đánh giá độ tin cậy của doanh nghiệp đối tác để tránh những rủi ro không đáng có:

- Xác minh thực lực và uy tín của các doanh nghiệp Trung Quốc bằng cách truy cập vào website xác minh thông tin doanh nghiệp Trung Quốc (National Enterprises Credit Information Publicity System): http://www.gsxt.gov.cn/index.html và nhập tên công ty bằng tiếng Trung Quốc (do website chỉ sử dụng tiếng Trung Quốc) hoặc số đăng ký của đối tác Trung Quốc vào thanh tìm kiếm để tìm thông tin. Nếu không có thông tin nào được tìm thấy thì nhà xuất khẩu Việt Nam nên cẩn trọng, vì công ty đối tác có thể không hợp pháp, hoặc mới thành lập và chưa đăng ký thông tin trên website.

Trường hợp đối tác Trung Quốc là đối tác lần đầu tiếp xúc qua hội chợ, triển lãm hoặc qua các kênh hội thảo, diễn đàn, v.v... thì cần đề nghị đối tác cung cấp giấy phép kinh doanh do Cục Quản lý hành chính công thương tại tỉnh/thành phố Trung Quốc mà doanh nghiệp đó có trụ sở cấp cho đối tác. Giấy phép kinh doanh nếu là bản sao phải có công chứng. Tuyệt đối không tin vào giấy phép kinh doanh mà trên đó có in hàng chữ “Chỉ có giá trị tham khảo”. Nếu là đối tác tin cậy và có nguyện vọng làm ăn nghiêm túc, lâu dài với Việt Nam thì doanh nghiệp Trung Quốc đó sẽ không thoái thác yêu cầu này của doanh nghiệp Việt Nam. Khi kiểm tra giấy phép kinh doanh cần lưu ý các khoản mục sau: (i) Tên, địa chỉ công ty; (ii) Ngày cấp giấy phép; (iii) Thời hạn hết hiệu lực; (iv) Phạm vi kinh doanh; (v) Vốn đăng ký.

- Các trường hợp đối tác Trung Quốc khác, sau khi đã kiểm tra giấy phép kinh doanh như trên và đã giao dịch trực tiếp thì trước khi ký kết hợp đồng thương mại đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động cử đoàn sang trực tiếp thẩm định văn phòng, hệ thống nhà xưởng, kho, hệ thống phân phối, v.v... Doanh nghiệp cũng có thể thông qua hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc để tìm hiểu những thông tin cơ bản của đối tác (tuy nhiên, việc tìm hiểu, thẩm tra kỹ về lý lịch thương nhân, khả năng kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp Trung Quốc chỉ có thể thực hiện được thông qua dịch vụ thu phí tùy theo yêu cầu thẩm tra cụ thể của một số doanh nghiệp đặc biệt do Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ định và cấp giấy phép hoạt động).

3. Có cách nào để không cần đi tìm mà khách hàng Trung Quốc tự tìm đến tôi không?

Các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động marketing, giới thiệu về doanh nghiệp và năng lực doanh nghiệp trên các website về thương mại điện tử, các trang công cụ tìm kiếm phổ biến trên thế giới và tại Trung Quốc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể liên hệ, gửi các tài liệu, thông tin giới thiệu về doanh nghiệp, năng lực doanh nghiệp tới Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc (tại các thành phố Bắc Kinh, Quảng Châu, Côn Minh, Nam Ninh, Trùng Khánh, Hàng Châu) và Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ để được hỗ trợ trong công tác tìm kiếm, kết nối giao thương.

4. Nông sản của Việt Nam hiện đang cạnh tranh với nông sản của các thị trường nào tại Trung Quốc?

Trung Quốc ngày càng nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật đối với nông sản nhập khẩu. Đối thủ cạnh tranh một số nông sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cụ thể như sau:

Thủy sản: i) Tôm: Argentina, Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Myanmar; ii) Cá tra, cá basa: Na Uy, Đài Loan, Indonesia, Triều Tiên, Mỹ, v.v...

Rau, củ: New Zealand, Mỹ, Triều Tiên, Đài Loan, Nga, Ấn Độ, Mexico, Thái Lan.

Chuối: Philippines, Ecuador.

Xoài, Thanh long, Vải, Nhãn, Chôm Chôm: Thái Lan.

Hạt điều: Ấn Độ, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc.

Cà phê: Indonesia, Brazil, Malaysia, Ý, Colombia, Mỹ, Malaysia, Đức.

Sắn và các sản phẩm từ sắn: Thái Lan, Lào, Đài Loan.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không ngừng gia tăng diện tích loại cây ăn quả là thế mạnh chủ lực tương tự như Việt Nam. Việt Nam không chỉ cạnh tranh với các nước mà còn chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các nông sản tương tự của Trung Quốc như thanh long, xoài, v.v...

 

5. Doanh nghiệp cần làm gì để có thể khai thác thị trường Trung Quốc, nâng cao giá trị của sản phẩm?

Trên thực tế, đã có một số loại nông sản, trái cây của Việt Nam được xuất khẩu nhiều và chiếm thị phần nhập khẩu khá cao tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu nhằm giữ vững thị phần và nâng cao giá trị gia tăng.

Các loại nông sản, trái cây khi đã xây dựng được thương hiệu cần tập trung xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và tìm các nhà nhập khẩu/đại lý phân phối chính thức; tránh xuất khẩu nông sản, trái cây đã có thương hiệu theo hình thức “tiểu ngạch” để tránh cạnh tranh trực tiếp với các đại lý phân phối chính thức của mình.

Tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VIET GAP và GLOBAL GAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kểm nghiệm kiểm dịch  ngày càng nghiên ngặt  của Chính phủ Trung Quốc.

Phân loại rõ ràng phẩm cấp, quy cách của từng mặt hàng cụ thể trước khi xuất khẩu.

Nghiên cứu thiết kế bao bì riêng cho thị trường Trung Quốc, trong đó nên ưu tiên các thông tin trên bao bì bằng tiếng Trung Quốc.

Chủ động tuyển dụng nhân viên thông thạo tiếng Trung Quốc để có thể giao dịch trực tiếp và tìm hiểu thông tin thị trường cũng như các quy định liên quan của phía Trung Quốc để chủ động hơn trong kinh doanh với thị trường này.

Hạn chế tối đa các sai sót không đáng có trong quá trình xuất khẩu trái cây, cụ thể như thông tin trên Giấy chứng nhận kiểm dịch, trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cần khớp với thực tế lô hàng xuất khẩu, tránh việc các cơ quan liên quan phía Trung Quốc không cho phép thông quan do vướng phải các sai sót nêu trên, trong khi thực tế hàng xuất khẩu đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.

Cần tiếp tục đầu tư công nghệ, giống cây trồng để nâng cao chất lượng trái cây xuất khẩu, hạn chế việc dựa chủ yếu vào điều kiện tự nhiên làm lợi thế cạnh tranh.

Cần chú trọng công tác xúc tiến thương mại như chủ động tham gia các Hội chợ chuyên ngành về lĩnh vực nông sản tại Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm nông sản đã có thương hiệu (như gạo, xoài, vải , cà phê, v.v….), đồng thời qua đó tìm kiếm  các nhà nhập khẩu uy tín nhằm xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang thị trường Trung Quốc một cách chính quy, bài bản.

Nghiên cứu khả năng hợp tác với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử của phía Trung Quốc để nhập khẩu, tiêu thụ nông sản qua hình thức thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc.

 

(Thông tin sơ bộ chỉ mang tính chất tham khảo, Qúy Doanh nghiệp cập nhật thêm các văn bản quy định hiện hành)

Mỹ Huê - P.QLTM (Nguồn Bộ Công Thương)