Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
Thực hiện chính sách hỗ trợ cơ sở, danh nghiệp ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất

Trên địa bàn tỉnh An Giang các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thuộc thành phần doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đa phần là các doanh nghiệp đi lên từ hộ gia đình, vẫn làm ăn theo kiểu để kiếm sống là chính chứ không phải làm giàu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa gắn kết với nhau bằng việc liên kết chuỗi, tư duy khởi nghiệp còn rất thấp. Năm 2017, là năm thứ hai của nhiệm kỳ kế hoạch năm năm, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà tăng trưởng cao và bền vững cho cả giai đoạn. Trên tinh thần đó các ngành, các cấp xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển của từng ngành. Thực hiện chủ trương nhà nước đóng vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận để cơ sở, doanh nghiệp phát triển với trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, Ngành Công thương quan tâm thực hiện Chương trình Khuyến công, Đề án hỗ trợ người dân tộc và đặc biệt là vận dụng hiệu quả chính sách Khuyến công. Trong đó gồm 17 nội dung chi hỗ trợ, phần nhiều liên quan đến việc ứng dụng đổi mới thiết bị, công nghệ vào quy trình sản xuất sản phẩm của cơ sở, doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp khảo sát, lựa chọn hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới máy móc, thiết bị vào sản xuất. Để từ đó, tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường, năng suất cao, chất lượng đồng đều, tinh sảo, thẩm mỹ cao, giảm chi phí đầu vào của quy trình sản xuất, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Hiện nay, Trung tâm đã tiếp nhận 21 Đề án khuyến công của năm 2017, với số tiền đề nghị hỗ trợ trên 2,8 tỷ đồng. Dựa vào nhu cầu thực tế của cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, Trung tâm sẽ tham mưu Ban lãnh đạo Sở Công thương xem xét lựa chọn đối tượng hỗ trợ, cân đối từ nguồn kinh phí được giao, tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh quyết định. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Trung tâm luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các Phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng huyện, thị xã, thành phố thực hiện đúng quy trình hỗ trợ, đảm bảo công khai, minh bạch. Các Đề án khuyến công được hỗ trợ phải đáp ứng tính hiệu quả, thời gian thu hồi vốn nhanh, thủ tục giải ngân đúng quy định tài chính. Thực hiện chính sách khuyến công nhằm giải quyết kịp thời khó khăn của cơ sở, doanh nghiệp về nguồn vốn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị. Chính điều đó đã cho thấy việc áp dụng chính sách khuyến công mang lại hệu quả thiết thực góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh và kinh tế của địa phương.

Song song đó, với việc vận dụng các chính sách tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư cụ thể như: chính sách tín dụng thông qua các hệ thống ngân hàng thương mại, các quỹ bảo lãnh tín dụng của trung ương và địa phương; chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách thuế; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường,… đó là điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững./.

Nguồn: Trung tâm Khuyến công và TVPTCN