Cổng thông tin điện tử Sở công thương An Giang
An Giang cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang quan tâm chỉ đạo phân công các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm với từng chỉ số cụ thể, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của tỉnh.

Công tác tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp (DN) được diễn ra thường xuyên ở các cấp, ngành, địa phương, được cộng đồng DN và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đánh giá cao.

Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động

 

Năm 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 66,48 điểm, tăng 1,76 điểm, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 2 bậc so năm 2020 và thuộc nhóm điều hành “khá”. So khu vực ĐBSCL, An Giang đứng thứ 4/13, tăng 2 bậc so năm 2020. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 của tỉnh An Giang đạt 86,14%, tăng 2,89% điểm so với năm 2020 (83,25 điểm), xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so năm 2020 (hạng 45/63 tỉnh, thành phố) và xếp hạng 9/13 tỉnh khu vực ĐBSCL, tăng 1 bậc so năm 2020 (hạng 10/13 tỉnh, thành phố).

UBND tỉnh An Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập DN. Nhờ đó, tình hình phát triển DN tiếp tục khởi sắc so năm 2021. Đến hết tháng 12/2022, toàn tỉnh có 873 DN và 909 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới, tổng vốn đăng ký trên 7.701 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2021, số DN đăng ký tăng 46,23% (tương đương 276 DN), số vốn đăng ký mới giảm 3,91% (tương đương giảm 314 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 7.216 DN và 4.089 đơn vị trực thuộc đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 80.679 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đầu tư đối với các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài. Năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận 59 dự án đầu tư đăng ký mới. Trong đó, đã phê duyệt 11 dự án với tổng vốn đầu tư 1.660 tỷ đồng, gồm: 2 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 391 tỷ đồng; 8 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 1.269 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án với tổng vốn 14.096 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2021, tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 323 tỷ đồng.

Cục Thuế tỉnh An Giang giải đáp bằng hình thức điện tử qua chức năng hỏi đáp trên hệ thống eTax 23 lượt; giải đáp trực tiếp tại cơ quan thuế 7.802 lượt; hỗ trợ người nộp thuế qua điện thoại. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử; hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử... Triển khai giao dịch điện tử trong kê khai các thủ tục, hồ sơ lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; số lượng hồ sơ thực hiện kê khai giao dịch điện tử đạt 89,9%.

Sở Xây dựng An Giang rà soát, cắt giảm 20% thời gian so quy định giải quyết TTHC. Theo đó, thời gian trung bình cấp phép xây dựng 10 - 15 ngày; giải đáp vướng mắc liên quan cấp giấy phép xây dựng, triển khai dự án, hoạt động của DN từ 3 - 5 ngày; triển khai đầu tư dự án “Xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch và phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”… Các tổ chức tín dụng thực hiện tốt thanh toán, luân chuyển vốn kịp thời, chính xác, an toàn; nâng cao chất lượng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường rà soát, đơn giản hóa các TTHC tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân, DN và thực hiện chuyển đổi số. Đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 11/11 địa phương với 6.517 thành viên; thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang. Kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với phần mềm quản lý chuyên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư; kết nối liên thông giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với phần mềm, hệ thống quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành, Trung ương.

Nhằm gia tăng các chỉ tiêu phát triển bền vững, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đánh giá diễn biến chất lượng các thành phần môi trường, để có giải pháp kiểm soát phù hợp. Duy trì thu gom, xử lý rác thải trung bình 920 tấn/ngày (đạt 80%). UBND tỉnh triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, với tổng nguồn vốn hơn 144 tỷ đồng.

Đặc biệt, An Giang đã đề ra các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN phục hồi sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19. Kết quả năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 92.400 tỷ đồng, tăng 12,43% so năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 1,15 tỷ USD, tăng 1,45% so cùng kỳ. Hỗ trợ cắt, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính và hỗ trợ lãi suất. Ngành du lịch khôi phục mạnh mẽ, đón hơn 7 triệu lượt khách tham quan, tăng 212% so cùng kỳ, đạt 152% so kế hoạch. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ duy trì ổn định nhờ các gói hỗ trợ của Chính phủ; hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế.

Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Duy trì kết quả giải quyết TTHC trả trước và đúng hạn từ 99% trở lên. Đến năm 2025, dịch vụ công cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 100%; 80% người dân, DN hài lòng với các dịch vụ số của chính quyền số tỉnh cung cấp; tăng cường hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN; có trên 11.000 DN đăng ký kinh doanh. Tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện dịch vụ công mức độ 4 và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, DN.

HẠNH CHÂU - https://baoangiang.com.vn